BVR&MT – Vừa qua, UBND Thành Phố Hà Nội ban hành Quyết định số 8137/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2021″.
Nội dung đề án gồm có: Hiến pháp, các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chú trọng nội dung phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tập trung phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ pháp luật, các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; quyền, nghĩa vụ của công dân; nội dung chính sách pháp luật về quốc phòng an ninh, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc; phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng chống mua bán người, bạo lực gia đình; bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông.
Vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc… Tuyên truyền sâu rộng các chính sách dân tộc; chú trọng mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo nghề nông thôn; việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc dân tộc thiểu số; quảng bá hình ảnh cộng đồng các dân tộc Việt Nam, những thành tựu về công cuộc xóa đói giảm nghèo với bạn bè quốc tế; vận động thu hút các nguồn lực phát triển của các tổ chức quốc tế vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Bên cạnh đó cần tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực phản động; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh biên giới; đấu tranh chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, truyền đạo trái pháp luật. Tăng cường nắm bắt tình hình an ninh tư tưởng, phản ánh nguyện vọng của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo mục tiêu của Đề án, đến năm 2021, thành phố phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan làm công tác dân tộc từ cấp thành phố đến địa phương được phổ biến, giáo dục pháp luật và cung cấp thông tin rộng rãi về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc với nội dung và hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật. Trên 90% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ phổ biến pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về phổ biến pháp luật và tuyên truyền, vận động về lĩnh vực công tác dân tộc, theo yêu cầu nhiệm vụ. Hơn 90% đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố được phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc…
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách dân tộc. Các hoạt động thường xuyên được triển khai trong việc thực hiện nội dung của Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương; đồng thời kết hợp, lồng ghép với các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền đang được triển khai ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đóng vai trò quan trọng, bởi mỗi người dân có nắm vững kiến thức pháp luật thì mới thực hiện đúng pháp luật, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Trương Nhã