BVR&MT – Để hoàn thành 15 chỉ tiêu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội năm 2023; trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng cần đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường an tâm, ít rủi ro trong quản lý, điều hành cho doanh nghiệp khi thực hiện các quy định của luật pháp là việc làm cần triển khai sớm nhất.
Ổn định kinh tế vĩ mô
Báo cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc sáng 20/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2023, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”.
Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng
Để đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng: Cần đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường an tâm, ít rủi ro trong quản lý, điều hành cho doanh nghiệp khi thực hiện các quy định của luật pháp là việc làm cần triển khai sớm nhất.
Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Xung đột Nga – Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; tình hình dịch bệnh, thiên tai trên thế giới diễn biến phức tạp… Tình hình đó đã làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng cao đột biến trong khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thậm chí đối mặt nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế, đối tác lớn.
Những yếu tố trên đã tác động rất lớn tới nền kinh tế và đời sống của người dân ở trong nước. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân nhanh chóng khắc phục những khó khăn do những yếu tố khách quan mang lại, Quốc hội đã cùng với Chính phủ đưa ra những giải pháp kịp thời.
Nhìn vào kết quả kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm nay, chúng ta nhận thấy, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đã đạt được trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới còn rất khó khăn. Rõ ràng, đây là một kết quả khả quan, không thể không phấn khởi.
Để đạt được kết quả như vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đều ghi nhận những nỗ lực của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương trong việc ban hành, thực thi các biện pháp, chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó là sự nỗ lực, đóng góp trực tiếp của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh doanh nghiệp cũng phải trải qua thời gian rất dài để khắc phục những khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: Nếu như nhìn về tốc độ tăng trưởng kinh tế ngắn hạn như vậy nhưng về mặt dài hạn, chúng ta cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn nhiều thách thức từ cả yếu tố nội tại ở trong nước và các yếu tố bên ngoài, những bất định về chính sách kinh tế vĩ mô của các nước, chính sách tài khóa, tiền tệ; các dấu hiệu suy thoái kinh tế trên thế giới có nhiều tác động lớn đến Việt Nam…
Phân tích sâu về những mặt còn hạn chế cần khắc phục, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng: Mặc dù Việt Nam đã hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu nhưng chỉ 1 chỉ tiêu rất quan trọng về năng suất lao động chúng ta chưa đạt được. Vấn đề về xuất nhập khẩu cho thấy rất tốt, nhưng nhìn về mặt cơ cấu và lợi ích thực sự từ câu chuyện xuất khẩu cũng cần xem xét thêm. Mặt khác, việc doanh nghiệp tìm kiếm thị trường khi xuất, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu ra thị trường quốc tế cũng là vấn đề cần lưu tâm.
Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhìn nhận, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường rất nhiều nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giải thể, rút lui khỏi thị trường cũng là con số rất đáng quan tâm. Các vấn đề về chi phí nguyên liệu, chính sách tài khoá, tiền tệ, tỷ giá, những đồng tiền mà Việt Nam có quan hệ thương mại cũng là những nội dung mà chúng ta cần lưu ý hơn.
Trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đều đồng tình với báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ trình bày và thống nhất với nhiều nhóm giải pháp mà Chính phủ kiên trì thực hiện.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, với những giải pháp mà Chính phủ, Quốc hội đã đề ra cần thực hiện kịp thời một cách đầy đủ, nhất quán, thậm chí là sớm hơn so với kế hoạch đề ra là rất quan trọng. Bởi vì, đôi khi những chi phí về thời gian trong việc thực hiện các thủ tục có thể làm giảm hiệu quả năng suất, có thể làm trì hoãn các hoạt động sản xuất kinh doanh nên khiến các doanh nghiệp mất đi những cơ hội để vực dậy sản xuất và phát triển. Do vậy, việc Quốc hội, Chính phủ và các địa phương cần đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường an tâm, ít rủi ro trong quản lý, điều hành cho doanh nghiệp khi thực hiện các quy định của luật pháp là việc làm cần triển khai sớm nhất.
Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2023 được Chính phủ đề ra: Có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 – 6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 – 1,5%… |