BVR&MT – Chợ Viềng và “lời hẹn mua may bán rủi” vào ngày mồng 8 âm lịch hàng năm đã trở nên quá đỗi thân thuộc với người dân Nam Định nói riêng, nét văn hóa của người Việt Nam nói chung mỗi dịp tết đến xuân về.
“Mồng một chơi cửa chơi nhà,
Mồng hai chơi xóm, mồng ba chơi đình,
Mồng bốn chơi chợ Quả Linh,
Mồng năm chợ Trịnh, mồng sáu chợ Côi,
Qua ngày mồng bảy nghỉ ngơi,
Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng,
Chợ Viềng năm mới có phiên,
Cái nón em đội cũng tiền anh mua…”
(Ca dao)
Trải qua những thăng trầm lịch sử, chợ Viềng ngày nay đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật và cũng là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân của khách thập phương về “mua may bán rủi”. Hội chợ Viềng diễn ra vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Gọi là “chợ” nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc đến các vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh, hay những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, thịt, quần áo, giày dép…du khách còn có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng, cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác.
Ở Nam Định có tới bốn chợ Viềng, thứ nhất là chợ Viềng ở xã Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc), song chợ này giờ chỉ còn tồn tại như một địa danh. Từ thành phố đi lên chợ Viềng Mỹ Trung chỉ vài cây số, bình thường nói “lên Viềng” hay “đến chợ Viềng” người ta hiểu là nơi ấy. Còn khi nói “đi chợ Viềng” hay “đi chơi chợ Viềng” người ta thường hay nghĩ tới ba cái chợ còn lại, những nơi mà tên gọi “Viềng” chỉ thực sự có ý nghĩa một ngày trong một năm: chợ Viềng ở chợ Chùa (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) và chợ Viềng Phủ Dày (thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), chợ Viềng ở Hải Lạng (huyện Nghĩa Hưng) thì nay còn rất ít người biết tới.
Đã có nhiều tài liệu, nhiều thế hệ người ta đi tìm “nguồn gốc” của chợ Viềng. Cũng đã xuất hiện nhiều giai thoại, thậm chí là những nghiên cứu để đưa ra một đáp án cho điều này. Thế nhưng, cho đến ngày nay, dường như chưa có một câu chuyện nào được cho là có đầy đủ những căn cứ nhất, những yếu tố lý giải chính xác nhất. Chỉ biết rằng, hiện nay chợ Viềng ở Nam Định chỉ còn tồn tại, hoạt động đúng phiên và nhộn nhịp nhất là chợ Viềng Phủ (huyện Vụ Bản) và chợ Viềng Chùa (huyện Nam Trực). Cả hai nơi, đều có những điển tích, những giai thoại riêng để tự chứng minh rằng chợ Viềng thực sự xuất phát từ nơi đó.
Ở chợ Viềng Chùa, vẫn tương truyền rằng: Ngày xưa, có hai vị tướng được vua sai đi loan tin chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa cho bàn dân thiên hạ biết để chia vui. Còn ở chợ Viềng Phủ, người ta gắn liền với các câu chuyện, giai thoại, truyền thuyết liên quan đến Mẫu Liễu Hạnh và các vị thần đang được thở nơi đây. Những người cao tuổi ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản vẫn còn kể cho nhau nghe về tấm lòng đức hạnh, thương dân của Mẫu Liễu Hạnh, và chợ Viềng chính là phiên chợ được mở ra với ý nghĩa tâm linh, mang những điều may mắn đến nhằm mong cho quốc thái dân an.
Câu chuyện về nguồn gốc thực sự của chợ Viềng dù có nhiều giả thuyết khác nhau, duy chỉ có một điều không thể chối cãi rằng, chợ Viềng ngày xưa và chợ Viềng ngày nay đã trở thành một điều không thể thiếu trong đời sống tâm linh, tinh thần và văn hóa của người Việt.
Thiên Thảo