BVR&MT – Con đập lớn được xây dựng trên sông Mê Kông có thể buộc UNESCO phải cân nhắc xóa bỏ danh hiệu di sản thế giới đối với vùng cố đô đẹp như tranh vẽ của Lào.
Khi các nhà đầu tư công bố kế hoạch xây đập Luang Prabang vào năm 2019, họ đã nhận cơn mưa chỉ trích vì những lo ngại đối với miền di sản. Rất nhiều ý kiến đã đề nghị UNESCO xem xét lại tình trạng cố đô Luang Prabang tại cuộc họp hàng năm hiện đang diễn ra trực tuyến và kéo dài đến 31/7. Trong trường hợp xấu nhất, những nguy cơ về môi trường của dự án có thể khiến UNESCO buộc phải xóa bỏ danh hiệu đối với vùng di sản đặc biệt, và nếu điều này trở thành hiện thực thì đây sẽ là một tổn thất lớn đối với một thành phố có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch.
Trong nhiều thập kỷ, Luang Prabang chứng kiến lượng lớn du khách đổ về để chiêm ngưỡng khung cảnh ngoạn mục của thành phố trên sông Mê Kông, sự pha trộn độc đáo giữa kiến trúc thuộc địa truyền thống của Lào và Pháp cùng các món ăn đường phố và khung cảnh nhà hàng ấn tượng. Những người chỉ trích con đập nói rằng dự án có thể làm xói mòn các bờ sông dốc của thành phố, khiến các ngôi chùa Phật giáo không thể thay thế và các công trình kiến trúc khác gặp rủi ro. Ba con đập tại Lào đã bị vỡ trong những năm gần đây và một thảm họa tương tự tại con đập mới có thể cuốn trôi cả thành phố cổ.
Mặc dù các nhà đầu tư giải thích rằng dự án sẽ được đặt tại vị trí cách Luang Prabang khoảng 24 km về phía thượng nguồn và không gây ảnh hưởng đến thành phố, rằng các nghiên cứu sâu rộng đã được thực hiện để giảm thiểu rủi ro đối với hệ sinh thái sông, cư dân và các địa điểm văn hóa, tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng dự án sẽ làm xói mòn nhanh hơn và tăng nguy cơ lũ lụt ở hạ lưu, gây thiệt hại đối với nguồn cá thiết yếu và việc di dời khoảng 600 gia đình khỏi khu vực bị ngập lụt là một cái giá quá đắt. Mặt khác, con đập không thực sự cần thiết để Lào phải đánh đổi vì Thái Lan – nước tiêu thụ chính sản lượng điện từ con đập – đã và đang dư thừa lượng điện rất lớn.
Tập đoàn Điện lực Thái Lan (EGAT) sẽ là bên mua chính 1.460 megawatt điện do đập Luang Prabang tạo ra, và dự án sẽ không được tiến hành nếu không có thỏa thuận mua bán điện từ chính quyền Thái Lan. Mặc dù thỏa thuận vẫn chưa được ký kết nhưng dự án sẽ không thể tiến xa đến mức này nếu các bên không tin tưởng EGAT sẽ mua điện. Điều khiến nhiều người thắc mắc là tại sao Thái Lan vẫn cần nhập thêm điện trong khi đang dư thừa nguồn năng lượng so với nhu cầu.
Theo số liệu từ trang web EGAT, do tác động của đại dịch nên Thái Lan dư tới 36% công suất phát điện trong tháng 5. Tuy nhiên, Giáo sư địa lý Ian Baird tại Đại học Wisconsin-Madison, người tập trung nghiên cứu về Đông Nam Á cho biết việc người tiêu dùng Thái Lan không cần điện không quan trọng với EGAT. Sau khi hợp đồng mua bán điện được ký kết, tập đoàn này sẽ được yêu cầu mua lượng điện đã thỏa thuận dù họ có cần hay không.
Mặc dù chính phủ Lào cam kết bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng, song không ít hộ vẫn lo lắng về sinh kế và cuộc sống vốn phụ thuộc vào hoạt động đánh bắt cá, trồng trọt và du lịch.
“Sẽ rất khó khăn cho du lịch”, một hướng dẫn viên du lịch Luang Prabang cho biết. Con đập sẽ làm cho mực nước không thể đoán trước được và “với nước lên xuống hàng ngày, sẽ rất khó để chạy thuyền kayak cũng như du ngoạn bằng thuyền” trong khi đây là hoạt động phổ biến mang lại nguồn thu nhập và việc làm đáng kể. Không chỉ vậy, các biện pháp bảo vệ, chống xói lở bờ sông cũng sẽ rất tốn kém mà thành phố và quốc gia khó có thể chi trả.
Trước những mối quan ngại này, UNESCO đã đề nghị chính phủ Lào thực hiện đánh giá tác động di sản và hiện công việc này đang được tiến hành. Thông thường, UNESCO sẽ đưa một địa điểm bị đe dọa vào “danh sách nguy hiểm” như một bước trung gian nếu kết quả đánh giá chỉ ra nhiều nguy cơ. Và trong trường hợp chính phủ nước sở tại không có hành động hoặc thiện chí khắc phục thì việc xóa bỏ danh hiệu sẽ tiếp tục được cân nhắc.
Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với Luang Prabang là “hiệu ứng nước đói”. Các con đập sẽ loại bỏ phù sa từ nguồn sông mẹ và giải phóng nước trong tình trạng “đói” phù sa, gây ra xói mòn nhanh hơn nhiều so với trước khi con đập được xây dựng.
Baird nói: “Khi bạn có nước mà không có phù sa, nó sẽ gây xói mòn mạnh tại hạ lưu. Hiệu ứng nước đói có thể gây chết người: Các nhà khoa học chỉ ra hiệu ứng này là nguyên nhân chính dẫn đến trận lũ lụt ở bang Kerala, Ấn Độ khiến gần 500 người thiệt mạng vào năm 2018”.
Ủy hội sông Mê Kông trong Báo cáo đánh giá kỹ thuật của mình cũng từng thừa nhận “khả năng xói mòn ở vùng Luang Prabang do nước nghèo phù sa được thải ra, đồng thời khuyến nghị chính phủ Lào thực hiện đánh giá tác động tích lũy. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có đánh giá đầy đủ nào được đưa ra.
Huyền Trang (Theo foreignpolicy.com)