BVR&MT – Một tương lai không chắc chắn cho các đập lớn đang ùa đến sau một thời gian dài bùng nổ.
Sự gia tăng của năng lượng gió, năng lượng mặt trời cùng các khoản chi phí khổng lồ về xã hội, môi trường và tài chính ngày càng tăng của các dự án thủy điện, có thể đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên của những con đập lớn. Nhưng ngay cả các nhà hoạt động chống đập cũng nói rằng còn quá sớm để tuyên bố về sự cáo chung của thủy điện quy mô lớn?
Tháng 7/2018, lũ lụt làm sụp đổ một con đập đang được xây dựng ở Lào, tạo thành cơn sóng thần khổng lồ trên đất liền, khiến hàng trăm người chết đuối, ước tính con số thiệt mạng ban đầu là 200 và con số thực tế còn nhiều gấp bội. Dòng nước lũ cướp đi nhà cửa và đất canh tác của khoảng 6.600 người, hầu hết hiện đều phải sống trong những căn lều tạm bợ.
Tháng 4/2018, lở đất tại đập Ituango – con đập sắp được hoàn thành ở Colombia – buộc ít nhất 25.000 người phải sơ tán và khiến toàn bộ dự án trị giá 5 tỷ USD lâm nguy.
Hai năm trước, con đập cao nhất của Hoa Kỳ mang tên Oroville cũng gần như sụp đổ khiến 190.000 người phải sơ tán và tiêu tốn 1,1 tỷ USD tổng chi phí sửa chữa.
Năm 2016, đợt hạn hán chưa từng có tại miền nam châu Phi đã làm giảm mực nước của hồ Kariba, hồ chứa lớn nhất thế giới xuống còn 12% dung tích, gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực và mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế của Cộng hòa Zambia và Cộng hòa Zimbabwe. Tương tự, mực nước hồ chứa tại đập Hoover trên sông Colorado cũng giảm dần do hạn hán kéo dài. Cả hai yếu tố tiên quyết đã bóc trần những điểm yếu của các con đập đối trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Mức đầu tư cho điện gió và mặt trời vượt xa thủy điện
Ở Myanmar, Thái lan, Chile và Brazil, nhiều dự án đập lớn đã bị đình chỉ hoặc hủy bỏ. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư mất trắng hàng trăm triệu đô la. Ngân hàng Thế giới năm 2013 đưa ra tuyên bố sẽ tái đầu tư vào những con đập lớn, tuy nhiên đầu tư thực tế của WB dường như lại theo chiều ngược lại. Theo ông Riccardo Puliti, Giám đốc cấp cao của Ngân hàng Thế giới, “WB hiện chỉ hỗ trợ một vài dự án thủy điện lớn ở một số thời điểm nhất định”. Các công ty Trung Quốc từ lâu đã vượt WB để trở thành nhà đầu tư chính cho các con đập quốc tế.
Đầu tư cho năng lượng gió và mặt trời trên toàn cầu hiện vượt xa đầu tư vào thủy điện. Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho hay “việc đầu tư vào năng lượng mặt trời đã gấp 3-4 lần và năng lượng gió gấp hơn 2 lần so với đầu tư cho thủy điện vào năm ngoái”. Ngay cả Tập đoàn đập Tam Hiệp của Trung Quốc, đơn vị xây dựng con đập lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử của Trung Quốc, hiện cũng đang đầu tư nhiều cho các dự án năng lượng gió và mặt trời.
Ông Richard M. Taylor – Giám đốc điều hành Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA), đại diện cho các nhà hoạch định, nhà xây dựng và chủ sở hữu đập của hơn 100 quốc gia cho biết “thủy điện đang gặp khá nhiều thách thức, các nhà máy năng lượng gió và mặt trời đang cung cấp điện với giá thành cực thấp. Thị phần của thủy điện so với phong điện, quang điện mặt trời và năng lượng sinh khối đang giảm dần”.
Trong cuối sách xuất bản hồi tháng 9/2018, ông Thayer Scudder, nhà nhân chủng học người Mỹ, 88 tuổi, chuyên gia hàng đầu thế giới về tái định cư cho việc xây đập, đã thuật lại quá trình phát triển sự nghiệp của ông từ một người đam mê thành một người phản đối đập: “Những điều tôi học được là những lợi ích quan trọng ngắn hạn và trung hạn của những con đập lớn có xu hướng kéo theo các chi phí kinh tế, môi trường, xã hội dài hạn và không thể chấp nhận cho hơn nửa tỷ người bị ảnh hưởng bởi dự án sống trong các lưu vực sông bị phá hủy”.
Các chi phí môi trường của các con đập đã được phản ánh khá rõ. Các con đập không chỉ tàn phá nghề cá bằng cách ngăn chặn sự di cư của các loài cá và dòng chảy dinh dưỡng ở hạ lưu đến cửa sông mà còn làm thay đổi chế độ thủy văn của sông – nơi mà các loài động thực vật và con người đều phụ thuộc. Thủy điện thường được quảng cáo là nguồn năng lượng sạch nhưng sự khẳng định này đang dần suy yếu trước những bằng chứng về sự phát thải khí mê-tan đáng kể từ các hồ chứa.
Tất cả những điều này đã bóc mẽ vai trò của các con đập và khiến một số chuyên gia suy đoán rằng ngành đập có lẽ đã chạm mốc và đang trên đà giảm lượng. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều đập được xây dựng, đặc biệt là ở khu vực châu Phi, Đông Nam Á và Trung Quốc. Trong đó phải kể tới con đập có quy mô lớn nhất thế giới Grand Inga trị giá 80 tỷ đô hiện đang được lên kế hoạch hoặc đề xuất xây dựng trên sông Congo, vượt qua cả đập Tam Hiệp, và đập Stiegler’s Gorge trị giá 3,6 tỷ đô ở Tanzania, dự kiến sẽ làm ngập một phần di sản thế giới.
Ngay cả các nhà hoạt động chống đập cũng cho rằng thế giới đã đạt đến điểm cực đại về đập. Giám đốc chính sách của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR), nơi cung cấp các hướng dẫn cho các nhóm cộng đồng trên toàn cầu đang bị đe dọa bởi các dự án đập, ông Josh Klemm, cho rằng: “Sự tăng trưởng của ngành công nghiệp đập khá ổn định trong thập kỷ qua, nhưng trong tương lai, nó có thể dễ dàng mở rộng như những bản hợp đồng”.
Các tạp chí khoa học hiện nay thường xuyên xuất bản các bài báo với các giả định chính về các con đập. Trong đó, nghiên cứu khá nổi tiếng của Đại học Oxford từ năm 2014 về 2.456 con đập lớn được xây dựng từ năm 1934 đến 2007 kết luận ngay cả khi không tính đến chi phí xã hội và môi trường khổng lồ từ các con đập thì chúng cũng quá đắt “để mang lại lợi nhuận khả quan”. Điều đó có nghĩa là những con đập không đem lại hiệu quả so với chi phí. Nghiên cứu còn chỉ ra chi phí thực tế của các con đập trung bình cao hơn 96% so với chi phí ước tính của ban đầu và các dự án trung bình kéo dài hơn 44% để xây so với dự đoán. Ông Bent Flyvbjerg, thành viên nhóm nghiên cứu khẳng định: “Chỉ năng lượng hạt nhân là ghi nhận mức chi phí cùng tiến độ tồi tệ hơn thủy điện, còn các dự án khác thì không, đặc biệt là các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió đứng đầu danh sách về hiệu quả so với chi phí”.
Chi phí khổng lồ của những con đập mở đường cho tham nhũng
Điều đáng chú ý là tất cả các nghiên cứu được công bố tác động rất ít tới số lượng và chất lượng xây dựng đập. Các nhà môi trường học cho rằng các nghiên cứu nên vô hiệu những con đập, tuy nhiên, các chủ đầu tư, nhà thầu và các đồng minh chính trị của họ vẫn tiếp tục kiếm tiền từ những con đập. Hai bên hầu như không gặp nhau.
Scudder đã lý giải một phần sự vênh hướng này. Theo đó, để tính toán hiệu quả chi phí, các học giả và các nhà môi trường thường tập trung vào hiệu suất của các con đập trong suốt thời gian hoạt động của nó, có thể là một thế kỷ hoặc lâu hơn trong khi các chính trị gia và đơn vị cho vay lại chỉ quan tâm đến thập kỷ đầu tiên hoặc thứ hai trong vòng đời của đập. Rất ít chính trị gia nghĩ đến thời hạn chấm dứt quyền lực của họ, họ thích đập vì đập hứa cung cấp điện cho các ngành công nghiệp và thành phố, và vì cảnh nước phun ra từ các cửa xả của đập là hình ảnh tuyệt vời cho các nghi thức cắt băng khánh thành.
Hiệu quả chi phí không phải là thứ mà các đơn vị cho vay quan tâm, điều họ muốn biết là khoản vay 10 hay 15 năm có được trả hết – vì các khoản vay thường bắt đầu từ khi xây dựng đập và có thể kéo dài một thập kỷ hoặc chỉ tồn đọng trong một vài năm đầu khi đập đã đi vào vận hành, bỏ lại đằng sau tất cả những hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường.
“Vấn đề không phải là hiệu quả chi phí mà là khi nào chúng ta lấy lại được tiền, khi nào chúng ta giết chính chúng ta vì các con đập và khoản nợ được để lại cho nhà nước. Việc xây đập không dựa trên cơ sở khoa học hay kinh tế – nó là một lựa chọn chính trị”, James Dalton, Giám đốc chương trình nước toàn cầu của IUCN bày tỏ.
Các dự án đập lớn có giá hàng tỷ USD. Các khoản tiền lớn mở đường cho tham nhũng và thường chiếm một phần đáng kể trong nguồn tài chính của quốc gia sở tại. Khi các khoản vay được trả hết thì người đơn vị cho vay như Ngân hàng Thế giới sẽ gọi dự án này là một dự án thành công. Tuy nhiên, về lâu dài, quốc gia sở tại có thể phải đối mặt với khủng hoảng nợ. Từ những năm 1980 trở đi, chi phí đập đã đóng vai trò lớn trong các cuộc khủng hoảng nợ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Mexico và Nam Tư cũ.
Nghiên cứu Oxford dẫn chứng bằng dự án đập đất Tarbela lớn nhất thế giới nằm giữa sông Indus ở Pakistan. Năm 1968, khi dự án được đưa ra, khoản vay để xây dựng đập bao gồm 7,5% chi phí dự phòng để bù đắp cho lạm phát và những thất bại có thể xảy ra trong xây dựng. Nhưng đến năm 1984, dự án đã không hoàn thành và chậm tiến độ 8 năm, lạm phát trong thời gian xây dựng lên đến 380%. Con đập lúc đó có giá gần gấp 4 lần dự toán ban đầu và nó xấp xỉ bằng ¼ mức tăng nợ nước ngoài của Pakistan trong thời gian xây dựng.
Các con đập trong nghiên cứu của Oxford mất trung bình 8,6 năm để xây dựng, thậm chí lâu hơn nhiều nếu tính cả thời gian lập kế hoạch trong nhiều năm, đàm phán hợp đồng rồi cấp phép – điều này cũng phần nào giảm bớt trách nhiệm của các chính trị gia đối với những con đập bởi khi mọi thứ trở nên tồi tệ, họ – người lãnh đạo khởi xướng dự án – đã không còn đương chức và người kế nhiệm của họ sẽ đổ lỗi cho vấn đề của người tiền nhiệm.
“Sự thiếu trách nhiệm này tạo ra những rủi ro đáng kể cho những người sau cùng tiếp nhận các dự án nếu chúng xảy ra sự cố, họ là người nộp thuế hoặc các cổ đông”, Giáo sư Flyvbjerg đến từ Trường Kinh doanh Said thuộc Đại học Oxford chia sẻ.
Các chi phí đó cũng bao gồm các tác động tiêu cực đối với những người buộc phải di dời bởi con đập – một con số lớn hơn nhiều so với số liệu từ 40 đến 80 triệu người theo ước tính khá dè dặt của Ủy ban Đập Thế giới vào năm 2000, cùng thiệt hại của các hệ thống sông và nghề cá trên thế giới đủ làm suy giảm sinh kế của nửa tỷ người khác sống ở hạ lưu các con đập.
Hạn hán kéo dài và lũ lụt dữ dội hơn
Hạn hán kéo dài hơn và lũ lụt dữ dội hơn do biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn tới các con đập: “Chúng được xây dựng quy mô hơn để chứa lũ lớn nhưng cũng nhỏ hơn để bảo đảm chi phí xây dựng”. Các nhà quản lý đập phải đối mặt với các mâu thuẫn: “Mực nước hồ chứa phải được giữ ở mức thấp để không cần xả nước khi lũ lụt nhưng mực nước hồ thấp gây cản trở quá trình sản xuất điện vốn là mục đích chính của hầu hết các đập lớn”.
Những người ủng hộ đập dường như có khuynh hướng loại bỏ lũ lụt và hạn hán lớn vì cho rằng những sự cố không thường xuyên có thể khắc phục được bằng kỹ thuật tốt, chẳng hạn lưu vực sông Amazon đã trải qua ba đợt hạn hán và ba năm lũ lụt cực đoan chưa từng thấy kể từ năm 2005 nhưng Hiệp hội Thủy điện Quốc tế vẫn dõng dạc tuyên bố sự ổn định của dòng điện được duy trì bởi thủy điện là sự cần thiết để bù đắp sự gián đoạn điện từ các nhà máy điện gió và mặt trời.
Tuy nhiên, những đợt hạn hán nghiêm trọng như ở miền nam châu Phi làm cho đập Kariba bị tê liệt đã dấy lên những hoài nghi về độ tin cậy của thủy điện và vai trò của thủy điện như một nhân tố bổ sung cho các nhà máy gió và mặt trời. Một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất của ngành thủy điện là thủy điện đập bơm – tức liên quan đến việc bơm nước ngược dòng vào đập khi giá điện thấp, thường là vào ban đêm, và sau đó giải phóng nó vào buổi chiều khi giá điện cao.
Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA) đã chào hàng đập thủy điện như là một công nghệ sạch nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Nhiều hồ chứa phát thải ra lượng khí mê-tan đáng kể – đây là một loại khí nhà kính mạnh được giải phóng bằng cách phân hủy thảm thực vật và các chất hữu cơ khác trong điều kiện hiếm ôxy dưới lòng các hồ chứa.
Năm 2016, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí khoa học Bioscience cũng chỉ ra rằng “lượng khí mê-tan thải ra từ các hồ chứa chiếm 1,3% tổng lượng khí nhà kính do con người thải ra trên toàn cầu và các hồ chứa có lượng phát thải cao nhất tương đương lượng phát thải của các nhà máy nhiệt điện than”.
Người ta thường cho rằng khí mê-tan sinh ra chủ yếu ở các hồ chứa nông thuộc khu vực nhiệt đới. Tuy nhiên, theo Giáo sư John Harrison ở Trường Môi trường, Đại học bang Washington, Hoa Kỳ, một trong những tác giả nghiên cứu, “ngày càng có nhiều bằng chứng mạnh mẽ cho thấy các hồ chứa ôn đới cũng tạo ra lượng khí mê-tan với tốc độ tương đương với các hồ chứa nhiệt đới”.
Mặc dù vậy, tiêu chuẩn đo lường phát thải khí nhà kính do Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đưa ra cho các quốc gia lại không đưa phát thải của hồ chứa vào các tính toán của nó, và hiện IPCC đang xem xét thay đổi chính sách này vào năm tới. Việc nâng cao hiểu biết về các yếu tố gây ra khí mê-tan của các hồ chứa ít nhất có thể hướng dẫn các quyết định về việc chọn vị trí xây dựng đập, tránh những nơi chắc chắn tạo ra lượng khí thải cao.
Thủy điện, ngành công nghiệp không còn thể hiện mình là nhà sản xuất điện vĩnh cửu như cách mọi người từng nghĩ, đang dành được vị trí khiêm tốn hơn. Ngành công nghiệp thủy điện đang dần chuyển sang “những con đập thông minh” để bổ sung cho các nguồn điện tái tạo khác. Sự kết hợp này có thể giải quyết sự thay đổi lượng mưa theo mùa bằng cách dựa vào năng lượng mặt trời trong mùa khô và thủy điện trong mùa mưa, khi những đám mây cản trở hiệu quả sản xuất của năng lượng mặt trời. Chẳng hạn như một số hồ chứa ở Trung Quốc hiện được lắp đặt các tấm pin mặt trời nổi, vừa tránh chiếm diện tích đất có giá trị, vừa giúp giảm sự bốc hơi của hồ chứa và tận dụng các đường dây phân phối điện hiện có của thủy điện.
“Hạm đội thủy điện hiện tại cho thấy một cơ hội to lớn để các công nghệ tái tạo khác như năng lượng gió, mặt trời và sinh khối phát triển thịnh vượng. Tôi nghĩ rằng nhiều người đang bắt đầu hiểu ra vấn đề” – ông Taylor, Giám đốc điều hành IHA kết luận.
Minh Hiền (Theo Yale Environment 360)