BVR&MT – Mấy hôm nay trời Huế nắng gắt, trong khu vườn râm mát của ngôi nhà, tôi đứng trên hiên nhỏ nhìn ra mấy gốc chuối, trái mít tự thì thầm rằng “thì ra có một nàng thơ xứ Huế đẹp đến vậy”!
Cái nắng của Huế cháy da cháy thịt, mồ hôi cứ lã chã khi tôi ghé thăm một Đại nội cổ xưa và đồ sồ. Ước nghĩ, giờ có căn miệt vườn, nằm dài nghe chim hót trong lời thì thầm của gió thì tốt biết bao nhiêu. Thế rồi tôi được người dân chỉ đến một con phố Kim Long, thời xưa xung quanh khu phố này là nơi ở của những hoàng tử, công chúa, các quan đại thần được nhà vua ban, cấp đất để xây dựng phủ đệ cho mình.
Dọc theo con kênh xanh mướt, Xuân Viên Tiểu Cung hiện ra trước mắt tôi như một nàng thơ e ấp được bao bọc bởi nhưng hàng cây xanh mát, thoang thoảng của mùi mít chín cây. Dành cho những nhưng du khách chưa có dịp tới Huế, nhà vườn này chính là Phủ của Thượng thư Bộ lễ Phạm Hữu Điển thời vàng son. Nhà được xây vào năm Thành Thái thứ 6 (1894), đây được coi là ngôi nhà đẹp nhất (với hàm nghĩa còn nguyên vẹn nhất) ở quần thể nhà vườn Phú Mộng – Kim Long.
Đến thăm Nhà vườn Xuân Viên Tiểu Cung chúng tôi thật sự ấn tượng với vẻ đẹp của nó. Là một trong những ngôi nhà vườn mẫu mực ở Huế cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trải qua hơn một thế kỉ “nàng Huế” vẫn giữ được nét sang trọng của giới quý tộc nhưng cũng cho thấy sự cổ kính rêu phong qua năm tháng. Có lẽ chính vẻ xưa cũ của ngôi nhà mới là điều du khách muốn tìm đến khi mà chỉ cách một cánh cổng là đã được đắm mình trong không gian yên bình, không âu lo, không đề phòng. Vào vườn, thấy cây là cây hiền, thấy người là người hiền – kiểu hiền thiệt thà của dân miệt vườn chứ không phải “mồm miệng” nói cho đẹp lòng khách. Bắt được cái cảm xúc ấy trong thời đại kim tiền này thiệt là khó. Thế rồi đang thỏa trong mùi thơm của mít chín cây và không khí trong lành, tôi nghe tiếng gọi mời:
– Cô chú vô đây ngồi uống nước cho mát.
Hóa ra là mệ Túy, năm nay đã hơn 90 tuổi – hậu duệ đời thứ 6 trông coi, người cháu nội của thượng thư Bộ lễ Phạm Hữu Điển. Nếp nhăn cũng đã chằng chịt trên khuôn mặt phúc hậu của cụ nhưng đủ minh mẫn để lai rai câu chuyện nhà vườn cho chúng tôi. Cung điện “Xuân Viên Tiểu Cung” (nghĩa là “Vườn hoa mùa xuân trong cung điện nhỏ”), ngôi nhà chính có 3 gian 2 chái, có tiền đường dành cho việc thờ phụng tổ tiên, với trang trí nội thất khá đặc trưng như các bức đại tự, hoành phi, đối, liễn… Ngôi nhà ngang cũng thiết kế theo kiểu ba gian, hai chái nối với nhà chính bằng một mái nhà cầu xinh xắn, khép kín với khu bếp ở hậu hiên.
Toàn bộ tòa nhà lợp bằng ngói liệt, nằm ẩn mình dưới vòm cây xanh gồm một vài cây ăn quả và một vài khóm hoa mẫu đơn, hoa cúc, vạn thọ, tóc tiên. Trước nhà có bình phong, bể cạn, hòn non bộ. Dọc lối ra vào, được trồng hai hàng chè tàu mỏng, thấp, cắt xén công phu. Hiện gia chủ vẫn còn giữ được hai câu đối trước cổng nhà tả phong cảnh và tính cách của chủ nhân là trọng đạo đức và rất yêu thiên nhiên. Đại ý: “Bước vào nhà cái lớn nhất là đạo đức và vẻ đẹp quyện vào nhau/Ở ngoài cửa thì mầu xuân cỏ cây hoa lá cùng nhau làm nên cảnh sắc”.
“ Nhà làm bằng gỗ lim đấy cũng đã hơn 130 năm rồi”, mệ vừa nói vừa vẫy cái quạt mo. Đây là một trong những căn nhà “ giàu” ngày xưa của quan lại và là ngôi nhà đẹp nhất (với hàm nghĩa còn nguyên vẹn nhất) ở quần thể nhà vườn Phú Mộng – Kim Long. Đến đây tôi mới nhớ câu nói của nhà văn xứ Huế Nguyễn Khắc Phê từng cho rằng sẽ thật sự thiếu sót nếu “Đến Huế, mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như… chưa đến”. Tôi hỏi mệ: “Địp nay khách đến thăm nhà nhiều không mệ?” – “Lai rai rứa con, họ vào dòm dòm nhà, rồi đi quanh vườn, chụp ảnh, nói chuyện, uống nước rứa đó!”. Nụ cười của mệ vẫn thoảng hiện hình ảnh của một cô gái xứ Huế tuổi đôi mươi, phúc hậu, hiền từ và hiếu khách. Cái giọng Huế nó khiến con người ta phải nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn chứ không có xuồng xã, lớn tiếng như Hà thành.
Lý do ngôi nhà vẫn được duy trì cũng bởi các anh em của bà Túy nay sống ở Mỹ và TPHCM hết cả, để lại bà chị chưa bao giờ có chồng con ở lại với ngôi nhà. Cũng có thể chỉ bà cụ tóc trắng như cước sinh vào đầu thế kỷ mới phù hợp với ngôi nhà ấy, để không biến nó thành nhà mái bằng gắn máy lạnh. Sống một mình với người đàn bà giúp việc tuổi trung niên. Mệ rất tự hào về ngôi nhà và dòng họ chính vì thế đôi khi có những du khách chê ngôi nhà này cũ mệ cũng có dỗi hờn: “Khách tây thì họ thích lắm, nhưng nhiều khách Việt vào là họ không thích”. Mệ kể trước cũng có 4 cô mặc áo dài đẹp lắm, vừa vô đến cửa đã nói “Nhà ni dắt tau vô làm chi nóng ri”, xong rồi quay ra liền. Nghe cũng thấy ấm ức nhưng nghĩ chắc họ không biết đến lịch sử nguồn gốc của nó nên thôi mệ chẳng nghĩ gì nhiều.
Một người sinh ra từ dòng dõi quý tộc, mệ Túy dù chả mấy khi có khách vẫn chỉn chu ngày một bình nước chè tươi đun sẵn thơm vị gừng ướp, uống kèm với mứt gừng tẩm đường đựng trong chiếc hộp nhựa xinh xắn. Người Huế là vậy, dù chỉ là món đồ ăn rẻ tiền, dù là sống trong một ngôi nhà tí hon thừa hưởng của một ông cố quý tộc đã sa sút, dù có ở một thân một mình vẫn cứ phải đàng hoàng chế biến cầu kỳ. Mà món nước chè ướp gừng của bà cụ quả tuyệt ngon. Nhấp ly chè tươi trong nụ cười trẻ thơ tươi rói qua hai thế kỷ của chủ nhân, khách quả không thể nào quên được ngôi nhà vườn hiếm hoi nguyên vẹn còn sót lại nơi đô thành Huế.
Ghé thăm nhà vườn, ngồi lai rai câu chuyện với mệ, tôi lại nghĩ ngay tới câu nói của Nhà nghiên cứu Huế – Phan Thuận An nhận định rằng: “Nhà vườn Huế là sư kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Đó là môi trường thích hợp nhất để bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc, trong đó, có đạo lý truyền thống gia đình. Nhìn cảnh quan của một nhà vườn Huế, con người có thể nhận ra được tâm hồn và phong cách sống của chủ nhân…”. Dù rêu phòng có phủ kín căn nhà, dù thời gian có làm nếp nhăn của mệ Túy chằng chịt trên gõ má nhưng chỉ cần bước vào ngõ, ta vẫn có thể cảm nhận được sự “giàu có” trong ngôi nhà. Giàu bởi thiết kế gỗ lim trăm tuổi, giàu vì tình người và hiếu khách,…. Nhà vườn vẫn giữ cho mình những nét đẹp riêng, vừa mang nét tinh hoa quý tộc, lại vừa có màu sắc dân gian truyền thống. Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, Xuân Viên Tiểu Cung vẫn gần như còn nguyên vẹn cả về cảnh quan và kiến trúc. Tuy cũ kĩ nhưng căn nhà “nhỏ nhắn” và “xinh xắn” ấy ở Huế lại làm nên một thi vị đặc thù cho xứ đô thành thơ mộng.
Hà Linh