Dành hàng trăm nghìn tỷ đồng cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020

BVR&MT – Sáng 11/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các địa phương tại 63 điểm cầu trong cả nước.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển.

Mục tiêu, nhiệm vụ này được thể hiện đậm nét trong các văn kiện của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, các Chiến lược, Kế hoạch, Đề án, Chương trình của Chính phủ.

Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 ở Trung ương và địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết; Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao chất lượng giáo dục, tỉ lệ trẻ em đến trường; bảo đảm mọi người trong hộ nghèo đều có cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế; kết hợp giữa giảm nghèo bền vững với phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng; lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn…

Qua 10 năm thực hiện, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền.

Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo cũng còn những tồn tại, cần khắc phục trong giai đoạn tới như: Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao, còn khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; công tác rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo còn chậm,…

Những bài học, kinh nghiệm cùng các bất cập, khó khăn, vướng mắc sẽ được thảo luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 nhằm phát huy những thành quả đã đạt được, nhận diện rõ các hạn chế và nguyên nhân để khắc phục; biểu dương những tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác giảm nghèo và định hướng công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, hướng đến năm 2030. Từ đó góp phần quan trọng để công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và phong trào “thoát nghèo, làm giàu” đạt được kết quả cao hơn, vững chắc hơn trong những năm tới đây.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Những kết quả ấn tượng

Một số địa phương có tỉ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong giai đoạn 2015-2019 như huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) giảm 40,66%, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) giảm 39,96%, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) giảm 34,51%, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) giảm 33,52%.

Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 93.000 tỷ đồng.

Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; ngoài chỉ số về thu nhâp, chuẩn nghèo có có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Chính phủ đã chỉ đạo ban hành các chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, dạy nghề, lao động và việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng. Từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng.

Trong giai đoạn 2016-2020, tại địa bàn các huyện, xã nghèo, đặc biệt khó khăn đã có khoảng 18.000 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15.000 công trình; khoảng 7.000 công trình được duy tu bảo dưỡng. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng kết nối vùng được đầu tư như điện, đường, trường, trạm và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, dân sinh.

Nhiều địa phương đã nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thoát nghèo như huyện Tân Sơn (Phú Thọ), huyện Ba Bể (Bắc Kạn), huyện Phù Yên và huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), huyện Tân Uyên và huyện Than Uyên (Lai Châu), huyện Như Xuân (Thanh Hóa), huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi). Dự kiến, đến cuối năm 2020, có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 550 xã đã hoàn thành Chương trình 135 và 1.286 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 1,6 lần giai đoạn 2016-2020. Người nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Hỗ trợ hơn 13.000 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi từ Chương trình 135 với hơn 8.000 tỷ đồng.

Chương trình 135 đã hỗ trợ cho 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ hơn 2,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được bồi dưỡng kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, kỹ năng nghề nghiệp, sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Củng cố hệ thống thông tin cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin của người dân để chủ động vươn lên thoát nghèo.

Đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 77.037 tỷ đồng so với 31/12/2015. Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay còn 6,6%/năm (đối với hộ nghèo), 7,92%/năm (đối với hộ cận nghèo), 8,25%/năm (đối với hộ mới thoát nghèo).

Báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho biết, năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2019: 3,75%; năm 2020, dự kiến còn: 2,75%. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2019, chúng ta đã giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

Tích hợp chính sách, giảm nghèo bền vững

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, có thể thấy kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỉ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016-2019) bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỉ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm); tỉ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016-2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo.

Chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhiều nơi tỉ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỉ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2019).

Chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu. Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai còn chậm; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống.

Nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa kết nối sản xuất với thị trường; việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm.

Thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; dịch bệnh, quá trình đô thị hóa và di dân tự do làm nảy sinh nhiều thách thức đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người di cư, người lao động.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, phát huy tính chủ động của người nghèo vươn lên thoát nghèo còn nhiều hạn chế, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ.