BVR&MT – Trong khi voi bị săn để lấy ngà, tê giác bị giết để lấy sừng thì hà mã bị tước đoạt hàm răng của chính mình.
Buôn bán răng hà mã hợp pháp và bất hợp pháp thường dễ bị bỏ qua hoặc lu mờ trước vấn nạn buôn lậu ngà voi và sừng tê giác. Tuy nhiên, mối quan tâm đối với vấn đề này ngày càng tăng lên, đặc biệt là sau một số sự kiện như: Tanzania đấu giá gần 4 tấn răng hà mã hồi đầu năm 2018 và đề xuất tiêu hủy hà mã; chính phủ Zambia hủy bỏ lệnh cho phép săn bắn 2.000 cá thể hà mã ở thung lũng Luangwa làm chiến lợi phẩm do sức ép đến từ các tổ chức bảo tồn; Vương quốc Anh kêu gọi cung cấp bằng chứng về nạn buôn bán răng hà mã (cùng một số động vật hoang dã khác) nhằm cân nhắc mở rộng phạm vi áp dụng Đạo luật Ngà 2018. Thêm vào đó, nhiều ý kiến cũng quan ngại việc cấm buôn bán thương mại ngà voi ở nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu có thể làm tăng hoạt động buôn bán các sản phẩm thay thế như răng hà mã.
Trước các mối quan ngại trên, TRAFFIC đã tiến hành thu thập dữ liệu nhằm đánh giá số lượng răng hà mã được giao dịch quốc tế từ năm 2009 đến 2018, đồng thời xác định các quốc gia/vùng lãnh thổ xuất, nhập khẩu chủ yếu sản phẩm này. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm cách ước tính số lượng cá thể tương đương hoặc số lượng cá thể thu được từ quần thể hà mã hoang dã toàn cầu dựa trên số lượng sản phẩm răng hà mã được giao dịch quốc tế (bao gồm buôn bán hợp pháp và bất hợp pháp).
Theo Báo cáo “The Often Overlooked Ivory Trade – A Rapid Assessment of the International Trade in Hippo Ivory between 2009 and 2018” (tạm dịch là “Buôn bán răng hà mã thường bị bỏ qua – Đánh giá nhanh về thương mại quốc tế răng hà mã từ năm 2009 tới 2018”), răng hà mã chủ yếu được xuất khẩu từ các quốc gia thuộc dãy phía Đông Nam và Nam châu Phi sang châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, trong đó phần lớn được tái xuất sang các quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc EU, đặc khu hành chính Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ.
Từ nguồn dữ liệu CITES, Báo cáo thống kê được các quốc gia/vùng lãnh thổ báo cáo xuất khẩu tổng cộng 24.749 kg và 39.977 mẫu vật răng hà mã trong khi nhập khẩu 36.463kg và 22.755 mẫu vật từ năm 2009 – 2018. Răng là hàng hóa được giao dịch nhiều nhất, chiếm 99,9% trọng lượng và gần 80% số lượng mẫu vật. Số lượng răng hà mã được buôn bán nhiều nhất vào năm 2010, 2009 và giao dịch thấp nhất vào năm 2017 (về trọng lượng), 2018 (về số lượng mẫu vật).
Có tổng cộng 17 nước châu Phi (1 nước/lãnh thổ không xác định) xuất khẩu 24.749 kg và 39.977 mẫu vật răng hà mã; 5/17 nước báo cáo xuất khẩu theo khối lượng, trong đó Uganda xuất khẩu khối lượng răng hà mã lớn nhất, chiếm 41% tổng khối lượng xuất khẩu 5 nước, tiếp đến là Tanzania, Malawi, Zambia và Nam Phi với tỷ lệ lần lượt là 32%, 21%, 4% và 1%.
Về nhập khẩu, 53 quốc gia báo cáo nhập khẩu răng hà mã với khối lượng và số lượng lần lượt là 36.463 kg và 22.755 mẫu vật. Trong đó, Hồng Kông nhập hơn 25 tấn; Trung Quốc nhập gần 8 tấn; Nam Phi nhập hơn 1,6 tấn; Áo, Italy và Mỹ nhập tổng cộng hơn 500 kg răng hà mã; Việt Nam nhập 652 kg răng hà mã vào năm 2010 và 2016. Riêng Nam Phi vừa là nước nhập khẩu, vừa là nước xuất khẩu răng hà mã. Xét về số lượng mẫu vật, từ năm 2009 – 2018, Mỹ nhập răng hà mã nhiều nhất (7.832 mẫu vật) rồi đến Nam Phi (3.217 mẫu vật), các nước EU nhập tổng cộng 8.001 mẫu vật (Đức nhập nhiều nhất với 2.089 mẫu vật), Hồng Kông nhập 1.658 mẫu vật.
Về tái xuất khẩu, hơn 30.000 mẫu vật (chiếm 135% trong tổng số mẫu vật được nhập từ năm 2009 – 2018) và khoảng 1.300 kg răng hà mã (chiếm 3% tổng trọng lượng nhập khẩu) được tái xuất khẩu trong thời gian từ 2009 – 2018, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ tái xuất khẩu răng hà mã nhiều nhất tính theo trọng lượng và Pháp tái xuất khẩu số lượng mẫu vật răng hà mã lớn nhất, chiếm khoảng 70%.
Về buôn bán bất hợp pháp, trong khoảng thời gian 2009 – 2018, Báo cáo ghi nhận 163 vụ buôn bán trái phép, thu giữ 957 kg và 6.335 mẫu vật răng hà mã, trong đó răng thô chiếm số lượng lớn nhất (792,6 kg, và 5.954 mẫu vật), số còn lại (sọ, các sản phẩm chạm khắc…) chỉ chiếm phần nhỏ. Có tổng cộng 48 quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện thu giữ tang vật hoặc liên quan (đóng vai trò là nước xuất xứ, nước xuất khẩu, quá cảnh hoặc nhập khẩu) đến đường dây buôn bán răng hà mã trái phép. Trong đó, Uganda chịu trách nhiệm cho khoảng 27% vụ tịch thu; tiếp theo là Tanzania, Trung Quốc và Hồng Kông chịu trách nhiệm tổng cộng 31% số vụ bị thu giữ; Nam Phi liên quan (là quốc gia xuất khẩu hoặc trung chuyển) trong 8 vụ thu giữ răng hà mã trong khi chịu trách nhiệm cho 3 vụ bắt giữ. Malawi, Cameroon và Kenya cũng có từ 5 – 10 vụ thu giữ ở mỗi quốc gia.
Dựa trên ước tính cứ 12 răng (8 răng cửa và 4 răng nanh) tương đương 1 cá thể hà mã, Báo cáo cảnh báo có khoảng 13.491 cá thể hà mã bị giết trong thời gian từ 2009 – 2018, tương đương 1.349 cá thể bị giết mỗi năm, chiếm gần 1% quần thể hã mã toàn cầu (theo ước tính số lượng hà mã hiện tại vào khoảng 130.000 – 145.000 cá thể), trong đó Malawi là nước có tỷ lệ hà mã bị giết lớn nhất mỗi năm (khoảng 4%) rồi đến Uganda (3%), Zimbabwe (3%) và Nam Châu Phi (2%).
Tuy nhiên, các con số và tỷ lệ mất mát này mới chỉ là ước tính dựa trên số liệu báo cáo từ các quốc gia (chưa xét đến tính chính xác và nhất quán của các báo cáo cũng như vấn nạn buôn lậu hà mã cùng số liệu thống kê số lượng hà mã trên toàn cầu có thể đã thiếu cập nhật). Số hà mã bị giết trong thực tế có thể cao hơn số liệu báo cáo vì nạn buôn lậu răng hà mã vẫn tiếp diễn.
Điểm đáng lưu ý là hoạt động buôn bán răng hà mã có xu hướng giảm trong thời gian được đánh giá (trừ năm 2015 và 2018 với mức tăng có thể là kết quả của việc bán răng hà mã dự trữ tại Tanzania và Malawi), nhất là khi Uganda tự nguyện hạn chế xuất khẩu răng hà mã vào năm 2014 – điều này dường như trái ngược với nhiều lo ngại cho rằng các sản phẩm từ răng hà mã có thể tăng cao do nhu cầu thay thế ngà voi. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá chắc chắn liệu xu hướng giảm có phải là hiệu ứng tiếp nối sau đợt đánh giá thủ tục thương mại quan trọng (RST) được CITES thực hiện vào năm 1999 hay vì lý do khác.
Tương tự như ngà voi, răng hà mã thường được sử dụng để chạm khắc thành những bức tượng, đồ trang trí nhỏ hoặc cán dao. Ngoài ra, hà mã còn bị săn bắn phổ biến phục vụ giải trí. Zambia – nơi có quần thể hà mã lớn nhất thế giới – đã từng hai lần đề nghị cho phép giết số lượng lớn hà mã mỗi năm bằng cách cấp phép săn bắn giải trí, tuy nhiên cả hai lần đều không được thông qua do sức ép từ các tổ chức bảo tồn. Chính vì mối nguy từ việc săn bắn và buôn lậu răng, hà mã đã được Sách đỏ IUCN đánh giá là loài sắp nguy cấp. |
Cũng theo nghiên cứu, việc báo cáo số liệu về buôn bán răng hà mã ở các quốc gia/vùng lãnh thổ còn thiếu nhất quán, trong đó nguyên nhân bao gồm nhưng không giới hạn việc sử dụng các đơn vị không thống nhất, báo cáo dựa theo số lượng răng hà mã được phép buôn bán thay vì số lượng thực tế, báo cáo không chính xác (ví dụ hộp sọ chứ không phải răng) hoặc báo cáo không đầy đủ (không chỉ rõ nguồn gốc hoặc mục đích). Các nước xuất khẩu thường báo cáo răng hà mã theo khối lượng trong khi các nước nhập khẩu thường báo cáo theo số lượng mẫu vật, do đó, có sự chênh lệch giữa thông tin về khối lượng và số lượng mẫu vật được xuất – nhập. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch số liệu cũng có thể là kết quả của việc buôn bán răng hà mã bất hợp pháp.
Từ những thông tin và số liệu tổng hợp được, Báo cáo cho thấy việc buôn bán răng hà mã trên toàn thế giới chưa được quản lý và giám sát chặt chẽ. Báo cáo khuyến nghị Cơ quan quản lý CITES tại các quốc gia/vùng lãnh thổ cần gửi báo cáo hàng năm đầy đủ và chính xác theo đúng hướng dẫn, đồng thời thẩm định báo cáo để tránh bất nhất về dữ liệu; tiến hành các cuộc điều tra sâu nếu phát hiện sai lệch về dữ liệu. Bên cạnh đó, các quốc gia nên điều tra hoặc cập nhật số liệu hà mã hiện tại, tập trung ở các khu vực hay xảy ra vi phạm về buôn lậu răng hà mã; phân biệt các loại răng hà mã cũng như phát triển hệ số chuyển đổi đáng tin cậy cho sản phẩm này (dựa trên trọng lượng trung bình của răng nanh và răng cửa hà mã) để ước tính chính xác hơn số được giao dịch khi phân tích thông tin thương mại.
Sơn Thủy