BVR&MT – Theo một tổ chức phi chính phủ châu Âu, các công ty sáng lập đằng sau một liên minh tự xưng để chấm dứt rác thải nhựa nằm trong số những nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào các nhà máy sản xuất nhựa mới.
Phần lớn các công ty mới đây tuyên bố rằng họ đang hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa có thể là tâm điểm của sự bùng nổ sản xuất nhựa toàn cầu trong 10 năm tới.
Các công ty cùng cam kết 1 tỷ USD trong năm năm tới để giảm sản xuất nhựa và cải thiện tái chế, với mong muốn nâng mức đó lên 1,5 tỷ nếu có thêm thành viên tham gia.
Nhưng hầu hết các công ty sáng lập có thêm hàng chục tỷ USD do nhu cầu sản xuất nhựa toàn cầu tiếp tục tăng trong thập kỷ tới và sau đó.
Shell, một trong những công ty ký kết, đang xây dựng một nhà máy trị giá hàng tỷ đô la ở Pennsylvania thuộc miền đông Hoa Kỳ, sử dụng khí đá phiến làm nhiên liệu sản xuất 1,6 triệu tấn polyetylen – loại nhựa phổ biến nhất thế giới – mỗi năm.
ExxonMobil, một thành viên hàng đầu khác trong liên minh, đang xây dựng một dây chuyền sản xuất polyetylen mới tại nhà máy ở Mont Belvieu, Texas, để tăng sản lượng nhựa lên hơn 2,5 triệu tấn/năm. Khi dây chuyền hoàn thành, nhà máy sẽ là một trong những đơn vị sản xuất nhựa lớn nhất thế giới.
Công ty dầu mỏ Saudi Aramco thuộc sở hữu của nhà nước Ả Rập Saudi và công ty hóa chất khổng lồ SABIC đang xây dựng một trong những nhà máy hóa dầu lớn nhất thế giới khi họ – giống như các công ty nhiên liệu hóa thạch khác – chuyển dịch khỏi sự phụ thuộc vào doanh thu từ dầu thô.
Nhiều nhà máy sản xuất được kết nối với công nghệ fracking (công nghệ khai thác dầu khí bằng cách sử dụng thủy lực tách rời các lớp đá xốp – PV). Các công ty nhiên liệu hóa thạch đã đầu tư hơn 180 tỷ đô la kể từ năm 2010 vào các thiết bị “tách rời” mới nhằm sản xuất nguyên liệu thô cho các sản phẩm nhựa hàng ngày như bao bì, chai, khay và hộp đựng, qua đó đưa sản xuất nhựa tăng 40% trong tới thập kỷ.
Rob Buurman, giám đốc của tổ chức phi chính phủ môi trường Recycling Netwerk, nói: “Thật thú vị khi thấy [ngành công nghiệp nhựa] cuối cùng cũng thừa nhận rằng có vấn đề với nhựa của họ. Thật không may, sáng kiến này không giải quyết được gốc rễ vấn đề: lượng sản xuất khổng lồ 400 triệu tấn nhựa mỗi năm với 60 triệu tấn được sản xuất chỉ riêng ở châu Âu.”
Hơn 8,3 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất trên toàn cầu kể từ khi sản xuất quy mô lớn bắt đầu vào những năm 1950, tạo ra gần 6 tỷ tấn chất thải nhựa. Chỉ khoảng 9% trong số này được tái chế. Phần còn lại đã bị đốt cháy và góp phần vào biến đổi khí hậu hoặc vẫn đang gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết các loại nhựa được sử dụng để sản xuất bao bì, thường chỉ sử dụng một lần.
Buurman cho rằng việc dọn dẹp đường phố, sông và bãi biển sẽ không có tác dụng khi dòng nhựa mới vẫn được sản xuất và thu gom một cách nửa vời.
“Những loại hành động kiểu này chỉ để làm dịu bớt hình ảnh không đẹp về nhựa. Nhưng bản thân nhựa không có vấn đề gì về hình ảnh – chính việc sử dụng nó quá mức trong các sản phẩm có tuổi thọ ngắn mới là vấn đề”, ông nói.
Theo Liên hợp quốc, khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra biển hàng năm. Nhựa ở biển gây tắc hệ hô hấp của cá và các sinh vật biển khác, phá hủy môi trường sống và xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Nhưng mặc dù nhận thức ngày càng tăng của công chúng về vấn đề này, được nhấn mạnh bởi các chương trình Hành tinh xanh II (Blue Planet II) của Sir David Attenborough, có rất ít dấu hiệu cho thấy vấn nạn này giảm đi.
Người phát ngôn của liên minh cho biết: “Giảm số lượng nhựa cần thiết để tạo ra sản phẩm trong khi vẫn giữ được lợi ích mà mọi người dựa vào và làm cho nhựa dễ tái chế hơn chắc chắn là một phần của giải pháp. Không phải tất cả mà chỉ một số thành viên liên minh sản xuất nhựa và một số thành viên đã tuyên bố mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng”.
Ông dẫn ra một nghiên cứu của công ty Truscost năm 2016 cho thấy thay thế bao bì nhựa bằng các vật liệu khác sẽ làm tăng lượng bao bì tạo ra ở Mỹ thêm 55 triệu tấn mỗi năm, tăng mức sử dụng năng lượng và lượng phát thải carbon tương ứng là 82% và 130%.
“Ngay cả khi làm việc tích cực để giảm rác thải nhựa ra môi trường, chúng ta vẫn phải duy trì những lợi ích quan trọng mà nhựa mang lại cho người dân và cộng đồng chứ không phải phủ định sạch trơn. Với cách tiếp cận chu đáo, toàn diện và chiến lược, chúng tôi có thể đạt được cả hai mục tiêu đó”.
Các thành viên sáng lập của Liên minh chấm dứt rác thải nhựa là: BASF, Berry Global, Braskem, Công ty hóa chất Chevron Phillips LLC, Clariant, Covestro, Dow Chemical, DSM, ExxonMobil, Formosa Chemicals Corporation, Henkel, LyondellBasell, Mitsubishi Chemical Holdings, Mitsui Chemicals, NOVA Chemicals, OxyChem, PolyOne, Procter & Gamble, Reliance Industries, SABIC, Sasol, SUEZ, Shell, SCG Chemicals, Sumitomo Chemical, Total, Veolia, và Versalis.
Nhật Anh (Theo Theguardian.com)