BVR&MT – Chính phủ do Lao động nắm quyền sẽ cấm buôn bán ngà voi và sừng tê giác ở Úc để xóa bỏ cuộc khủng hoảng săn trộm ở nước ngoài đang đẩy hai loài này đến bờ tuyệt chủng.
Lãnh đạo đảng Lao động Bill Shorten phát biểu rằng vấn đề này có thể không phải là một yếu tố quyết định cho cuộc bầu cử “nhưng nói lên chúng ta muốn Úc trở thành đất nước như thế nào”.
Không có luật nào ngăn chặn mua hoặc bán ngà voi và sừng tê một khi sản phẩm được đưa bất hợp pháp vào Úc – điều này thúc đẩy nạn săn trộm. Nếu được bầu, đảng Lao động sẽ làm việc với các tiểu bang và vùng lãnh thổ để cấm việc buôn bán.
Nhu cầu về ngà voi và sừng tê đã làm suy giảm quần thể voi và tê giác ở châu Phi và châu Á. WWF ước tính mỗi năm có tới 50.000 con voi bị giết để lấy ngà và trong năm 2017, khoảng hơn 1.000 con tê giác chỉ tính riêng ở Nam Phi đã bị giết để lấy sừng.
Các chuyên gia nói rằng cuộc tàn sát đang đe dọa sự tồn tại của hai loài đặc biệt quan trọng. Những con sống sót sau các cuộc tấn công phải chịu tổn thương khủng khiếp, còn các con non mồ côi thường bị những loài săn mồi giết chết.
Phát hiện của lưỡng đảng từ một cuộc điều tra năm ngoái của quốc hội cho biết buôn bán thương mại nên bị cấm ở Úc, tương tự như ở Anh, Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông, Pháp và Đài Loan.
Ông Shorten nhấn mạnh động thái này là một phần trách nhiệm của Úc với tư cách là một công dân toàn cầu tốt.
“Nếu không có lệnh cấm trong nước, chúng ta sẽ tiếp tục biến Úc thành thị trường của những kẻ săn trộm và đe dọa sự tồn tại của những loài mang tính biểu tượng này. Là thị trường tiêu dùng, chúng ta đang tiếp tục thúc đẩy cuộc khủng hoảng săn trộm. Tôi muốn Úc trở thành một đất nước đảm bảo những con vật to lớn này vẫn tồn tại cùng con cháu chúng ta”.
Việc buôn bán chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu về các phương thuốc truyền thống châu Á, chiến lợi phẩm đi săn và đồ trang sức.
Đảng Lao động sẽ hợp tác với các tiểu bang và vùng lãnh thổ xây dựng luật lệ cấm bán ngà voi và sừng tê giác theo cách thức phù hợp để được thông qua trên toàn nước Úc.
Đảng này cam kết cấp miễn trừ cho ngà voi và sừng tê giác sử dụng trong bảo tàng và các tổ chức văn hóa, nhạc cụ cổ, chân dung cỡ nhỏ có tuổi đời hơn một thế kỷ và các cổ vật khác. Những ai không tuân thủ các luật mới sẽ bị trừng phạt.
Người phát ngôn của Bộ trưởng Môi trường Melissa Price cho biết chính phủ đã nghiên cứu vấn đề này với các bang và vùng lãnh thổ trong nhiều tháng.
Cuộc điều tra của quốc hội đã kiểm tra các thương nhân trực tuyến, nhà đấu giá và đại lý đồ cổ ở Úc, và xác định rằng có thị trường nội địa bất hợp pháp đầy béo bở cho ngà voi và sừng tê giác.
Cuộc điều tra đã cáo buộc một thị trường phức tạp này liên quan đến các tài liệu giả mạo, khai báo sai và các đại lý đồ cổ – những người hướng dẫn người mua giấu đồ vật bất hợp pháp vào hành lý hoặc khai là nhựa. Các mặt hàng khác được giao dịch ngang nhiên trên trang web Gumtree và những thị trường trực tuyến khác.
Công ước CITES hạn chế buôn bán ngà voi và sừng tê giác. Tuy nhiên, mẫu vật được lấy từ tự nhiên trước năm 1975 có thể được cấp giấy chứng nhận và giao dịch hợp pháp.
Trong một số trường hợp, tội phạm mông má vẻ ngoài của sừng, ngà và đồ trang sức để làm cho chúng trông cổ hơn.
Đảng Lao động nói rằng người bán ở Úc hiện không bị yêu cầu về mặt pháp lý phải cung cấp bằng chứng tại điểm bán để chứng minh tính hợp pháp, xuất xứ hoặc tuổi của các mặt hàng có chứa ngà voi hoặc sừng tê giác, có nghĩa là các mặt hàng mới hơn có thể dễ dàng được coi là đồ cổ.
Nhật Anh (Theo smh.com.au)