BVR&MT – Để góp phần phát triển khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị tại tỉnh Kon Tum đã quan tâm triển khai nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là luôn làm tốt công tác dân vận, nhờ đó đã mang lại nhiều kết quả khả quan.
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới thuộc bắc Tây Nguyên. Toàn tỉnh hiện có 92/102 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đặc biệt khó khăn. Theo số liệu thống kê từ Ban Dân vận Tỉnh uỷ Kon Tum, toàn tỉnh hiện nay có 15.215/15.943 hộ đồng bào DTTS nằm trong diện hộ nghèo (chiếm 95,43% so với tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh) và 7.936/8.857 hộ đồng bào DTTS cận nghèo (chiếm 89,60% so với tổng số hộ cận nghèo).
Cùng với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, phần lớn đồng bào DTTS tại Kon Tum sinh sống ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn; cơ sở hạ tầng, kinh tế và đời sống còn thấp.
Trước thực trạng đó, những năm qua, công tác dân vận của Đảng trong vùng đồng bào DTTS luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp uỷ và cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh.
Theo đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ Kon Tum, với trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực đồng bào DTTS luôn được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Tỉnh uỷ và các cấp, các ngành tập trung triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, sau ngay khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 về tăng cường đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS và Bộ Chính trị ban hành Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 03-KH/TU ngày 06/01/2016 về thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW và ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 02/4/2018 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh để lãnh đạo triển khai thực hiện.
Trên cơ sở thực trạng tình hình và những chỉ đạo trên, công tác dân vận tại vùng đồng bào DTTS của tỉnh Kon Tum được các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, Mặt trận và các tổ chức… được tập trung triển khai với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.
Cũng thông qua công tác dân vận, việc hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, chú trọng giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS đã được thực hiện tốt. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.660 hộ với tổng diện tích 55,74 ha đất ở; 122 hộ với 28,48 ha đất sản xuất được hỗ trợ; 818 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề; 4.999 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt. Với những nỗ lực đó, hiện toàn tỉnh Kon Tum có khoảng 98,17% hộ DTTS có đất ở; 97,89% hộ DTTS có đất sản xuất.
Bên cạnh quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào, thời gian qua công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS tại Kon Tum còn tập trung củng cố, nâng cấp các điểm thương mại, chợ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa; tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào DTTS; duy trì dạy tiếng Jrai và tiếng Bana cho học sinh trên địa bàn; quan tâm làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân; triển khai xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hoá tại các thôn, làng đồng bào DTTS của tỉnh ngày càng đồng bộ, khang trang.
Cùng với đó, các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân vùng đồng bào DTTS và biên giới thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; đã xây dựng 2.030 tổ an ninh nhân dân, tổ hoà giải, tổ bảo quản về bảo vệ đường biên giới, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng; huy động hơn 45 tỷ đồng và hơn 73.794 ngày công giúp Nhân dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; thực hiện công tác an sinh xã hội, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai…
Trong khi đó, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội các cấp thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng, triển khai hiệu quả cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Cụ thể đến nay toàn tỉnh có 6.577 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo (đạt tỷ lệ 31,24%) thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những phong tục, hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước mà tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; có 4.955 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo (đạt tỷ lệ 23,53%) biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương để nuôi, trồng; có 2.919 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo (đạt tỷ lệ 13,86%) có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện (có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người DTTS trong tỉnh, có mô hình sản xuất ổn định, có nhà ở kiên cố và một số vật dụng thiết yếu như ti vi, xe gắn máy…); có 993 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo (đạt tỷ lệ 4,71%) tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, nhiều hộ đồng bào DTTS đã thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn; biết tiếp thu, chọn lọc cái mới, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình; biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn đầu tư cho tái sản xuất.
Thông tin thêm về những kết quả mà công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS tại Kon Tum mang lại, đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh uỷ Kon Tum chia sẻ: Đến nay tại các thôn, làng vùng đồng bào DTTS của tỉnh, vai trò của người có uy tín, chức sắc, lực lượng nòng cốt luôn được phát huy. Qua đó góp phần tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với đặc điểm, phong tục, tập quán, trình độ dân trí của đồng bào, tạo sự chuyển biến trên nhiều mặt ở cơ sở. Trong các kết quả này, đáng chú ý là việc thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; bỏ dần những phong tục, hủ tục lạc hậu làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe, môi trường. Điển hình như một số phong tục không còn phù hợp đã giảm về số lượng, thời gian như: củi hứa hôn giảm số lượng từ 100-300 bó xuống còn 15-30 bó; thay thế củi dẻ, củi thông đỏ phải khai thác trên rừng bằng các loại khác do hộ gia đình trồng như bời lời; ăn uống kéo dài các dịp tang ma, cưới hỏi, lễ hội giảm xuống từ 5-7 ngày còn 1-2 ngày; một số hủ tục đã xoá bỏ hoàn toàn như: kiêng kỵ vật nuôi phóng uế, đẻ con ở dưới, bên trong kho thóc, để người chết lộ thiên trên sạp trong tang ma…
Riêng với việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đến nay tại vùng đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum đã triển khai được 1.697 mô hình “Dận vận khéo” đạt hiệu quả cao trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó có 688 mô hình về kinh tế, 415 mô hình về văn hoá- xã hội, 440 mô hình về quốc phòng – an ninh, 154 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế, nhất là trong huy động các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế, xã hội còn thấp; trình độ dân trí và tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong đồng bào vẫn còn; công tác chỉ đạo, triển khai các chương trình, dự án ở cơ sở còn chống chéo, chưa cụ thể, rõ ràng; công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành với Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội trong tuyên truyền, vận động Nhân dân có lúc, có nơi chưa đồng bộ, chặt chẽ.
Do vậy, theo Ban Dân vận Tỉnh uỷ Kon Tum, trong thời gian tới các cấp uỷ, đơn vị tiếp tục tập trung quan tâm khắc phục, xử lý hiệu quả những hạn chế kể trên. Đồng thời không ngừng đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận để nâng cao nhận thức, khơi dậy tính tự lực, tự cường của đồng bào DTTS nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững; thúc đẩy và lan toả các mô hình “Dân vận khéo” thật hiệu quả./.