BVR&MT – Trong khi các ngành nghề, lĩnh vực đều điêu đứng vì tình hình dịch bệnh Covid – 19 thì ở xã Phương Đình (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) hộ gia đình anh Đỗ Văn Toàn vẫn thành công nhờ mô hình nuôi thỏ cung ứng cho đối tác Nhật Bản với thu nhập ổn định mỗi tháng hàng chục triệu đồng.
Nhận thấy việc nuôi lợn, gà truyền thống như bà con địa phương mang lại hiệu quả kinh tế bấp bênh, lại luôn chịu sự chi phối của thị trường, anh Đỗ Văn Toàn đã quyết định bén duyên với nghề nuôi thỏ. Anh bắt đầu “khởi nghiệp” từ năm 2017, nuôi khoảng 1.000 thỏ mẹ và thỏ trưởng thành trên diện tích 200 m². Điều khiến anh luôn đắn đo chính là đầu ra, thị trường tiêu thụ. Nếu chỉ bán cho người dân, không xây dựng được thương hiệu rất khó để thu về nguồn vốn ổn định, chính vì vậy anh đã liên kết với công ty Nhật Bản. Nguồn giống và thức ăn sẽ do phía công ty cung cấp, anh sẽ là người chăm sóc, là “bà đỡ đẻ” cho hàng nghìn con thỏ tại đây.
Hiện nay, trang trại của anh Toàn rộng một nghìn mét vuông, nuôi khoảng hơn 2.500 con cả thỏ giống và thỏ thương phẩm, trong đó có 300 con cái sinh sản. Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, anh Toàn cho biết: “Trước đây tôi nuôi hơn 3.000 con. Tuy nhiên dịch bệnh và nắng nóng nên phải giảm bớt số lượng. Một phần từ phía công ty phải tính toán thu mua hợp lý để các trang trại đều tiêu thụ được, không để tồn đọng. Phần nữa là do nắng nóng, thỏ sinh sản cũng kém hơn và mắc nhiều bệnh hơn”.
Chia sẻ về công việc chăm sóc, anh Toàn cho biết: “Nuôi thỏ không vất vả nhưng đều đều công việc, tính ra là như chăm sóc con mọn”.
Để liên kết và có đầu ra ổn định đòi hỏi những con thỏ nuôi đều phải theo quy chuẩn của bên công ty thu mua. Thỏ phải đủ cân nặng 2,3 kg, không bị tật,… Giống thỏ của trang trại được nhập từ Pháp và New Zealand, sống trong trang trại được trang bị hệ thống làm mát đặc biệt, giúp hạ nhiệt độ xuống thấp khoảng 10 độ C so với ngoài trời. Nhờ vậy tạo điều kiện thích hợp nhất để thỏ phát triển. Thức ăn bằng cám đạt chuẩn do công ty cung cấp, được bổ sung vitamin C cùng nhiều chất dinh dưỡng khác trong khẩu phần ăn, được tiêm vaccine phòng bệnh định kỳ. Với hệ thống trang trại hiện đại, phân thỏ sẽ rơi thẳng xuống băng tải, chỉ cần nhấn nút là máy chạy tự động chuyển phân ra ngoài. Nhờ hệ thống này mà công việc vệ sinh chuồng thỏ rộng gần 1000 m² chỉ diễn ra trong vòng 10 phút mỗi ngày.
Mặc dù tình hình dịch bệnh nhưng mỗi tháng trang trại của anh vẫn xuất chuồng đều đặn 2 đến 3 chuyến. Trừ đi chi phí và thức ăn, mỗi tháng anh thu về hơn 40 triệu/ tháng, mỗi năm thu về nửa tỷ nhờ nuôi thỏ có liên kết sản xuất. Đối với những con không đạt tiêu chuẩn, anh Toàn sẽ bán thỏ thương phẩm với giá 90.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn tận dụng phân của thỏ để bán hoặc bón cây mang lại thêm nguồn thu nhập cho trang trại.
Anh phấn khởi nói: “Trước dịch tôi bán với sản lượng nhiều hơn, nuôi tốt cứ 90 – 100 ngày là cho “lên đường”. Nay ít hơn nhưng so với bà con thì vẫn may mắn và tốt hơn rất nhiều vì còn tiêu thụ được và tiêu thụ đều”.
Nhờ hướng đi đúng đắn và bí quyết làm trang trại nuôi thỏ, mô hình của anh Đỗ Quốc Toàn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhân lực đồng thời thu về lợi nhuận cao trong thời kì dịch bệnh hoành hành.
Hà Linh