BVR&MT – Đan Mạch, nước xuất khẩu lông chồn lớn nhất thế giới đang lo ngại về tình trạng chồn sổng chuồng mang theo virus Covid-19 có thể lây nhiễm sang động vật hoang dã.
Đầu tháng 11, Đan Mạch thông báo rằng sẽ tiêu hủy chồn vizonnuôi nhốt sau khi phát hiện ra một phiên bản virus đột biến có thể giảm hiệu quả vắc xin trong tương lai.
Khoảng 10 triệu con chồn đã bị giết cho đến nay. Các nguồn tin trong ngành công nghiệp lông thú kỳ vọng số lông từ 5 – 7 triệu con chồn còn lại sẽ được bán.
Một số biến thể Covid từ chồn đã được Statens Serum Institut (cơ quan nghiên cứu nhà nước của Đan Mạch) xác định nhưng chỉ một biến thể được gọi là C5 làm dấy lên lo ngại về hiệu quả vắc xin. Tuy nhiên, Bộ Y tế Đan Mạch cho biết chồn mang biến thể C5 “rất có thể đã tuyệt chủng”.
Chồn được biết là thường xuyên sổng ra khỏi các trang trại lông thú và nguy cơ chồn nhiễm bệnh hiện đang ở trong tự nhiên đã được xác nhận.
“Mỗi năm, vài nghìn con chồn vizon sổng ra ngoài. Chúng tôi biết điều đó vì chúng là loài xâm lấn nên năm nào những người săn bắt và đánh bẫy cũng giết vài nghìn con chồn hoang dã. Số lượng chồn thoát ra ngoài khá ổn định”, theo Sten Mortensen, Giám đốc nghiên cứu thú y tại Cục Quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch.
Năm nay, Mortensen cho biết có nguy cơ khoảng 5% số chồn thoát khỏi các trang trại bị nhiễm Covid-19.
Nguy cơ những con trốn thoát lây nhiễm cho động vật khác là thấp bởi chồn là “sinh vật rất đơn độc”. Nhưng nếu điều này xảy ra thì những động vật có nhiều khả năng bị nhiễm virus nhất sẽ là chồn Ferret và lửng chó cùng “vật nuôi dễ bị nhiễm bệnh” như mèo.
Con đường lây truyền cao nhất sẽ là động vật ăn phải chồn bị nhiễm bệnh hoặc qua phân của chúng.
Chồn vizon thường không chết vì Covid-19. “Chồn nhiễm Covid thì cũng thường hồi phục tốt. Một số cá thể có thể gặp khó khăn về hô hấp trong vài ngày nhưng hầu hết đều hồi phục và phát triển khả năng miễn dịch”.
Nguy cơ Sars-CoV-2 di chuyển vào các quần thể hoang dã khiến giới khoa học lo ngại. Giáo sư vi sinh vật học Joanne Santini thuộc Đại học College London phân tích rằng khi còn ở trong môi trường hoang dã “sẽ vô cùng khó khăn để kiểm soát hiện tượng lây lan sang động vật rồi lây ngược trở lại con người”.
Việc lây truyền sang môi trường hoang dã có nghĩa là “virus có thể mở rộng phạm vi vật chủ và lây nhiễm sang các loài động vật khác mà thông thường nó sẽ không thể lây nhiễm”, Santini nói.
GS Marion Koopmans, trưởng khoa nghiên cứu virus thuộc Đại học Erasmus cho biết: “Sars-CoV-2 có khả năng tiếp tục lưu hành trong các trang trại quy mô lớn hoặc qua các cá thể sổng vào hoang dã (chồn, lửng, rái cá, chồn ferret, martens, chồn vizon và chồn sói) hoặc động vật hoang dã khác” và sau đó “về lý thuyết, giống như virus cúm gia cầm và cúm lợn, chúng tiếp tục phát triển trong vật chủ, tạo thành mối đe dọa đại dịch thường trực đối với con người và động vật”.
Ở Mỹ, người ta hy vọng một loại vắc xin cho chồn vizon sẽ sớm được đưa vào sử dụng. TS John Easley, bác sĩ thú y và giám đốc nghiên cứu tthuộc Ủy ban Lông thú Hoa Kỳ hy vọng “một trong ba vắc xin giàu khả năng” sẽ sẵn sàng vào mùa xuân cho những người nuôi chồn ở Hoa Kỳ và các nước khác.
Tuy nhiên, vắc xin cho chồn là một vấn đề gây tranh cãi đối với các tổ chức phúc lợi động vật. “Thay vì ưu tiên đối phó với thực tế là điều kiện kinh khủng của việc nuôi để lấy lông với số lượng lớn, phúc lợi thấp khiến chồn rất dễ bị bệnh, thì việc nói về một loại vắc xin có thể được sử dụng hàng năm sẽ khiến người ta dễ bị phân tán chú ý khỏi tình trạng phúc lợi tồi tệ đó hơn”, Wendy Higgins thuộc tổ chức HIS cho biết.
Nhật Anh (Theo Guardian)