Đậm đà tương nếp Khê Thượng

BVR&MT – Nằm ven dòng sông Đà thơ mộng, bao đời nay người dân làng Khê Thượng, xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) yêu lao động, giữ nét quê hồn hậu, tươi đẹp. Bao năm sinh sống người dân nơi này còn giữ được một đặc sản mà bao người đã từng thưởng thức đều nhớ mãi không quên đó là tương Khê Thượng.

Về với mảnh đất Sơn Đà hôm nay, nơi được thiên phú cho phong cảnh trữ tình và nên thơ, cũng là mảnh đất đã bồi đắp nên thi vị cho tâm hồn của Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu, một trong những là một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỉ XX, không ai là không biết đến những câu thơ:

“Quê tôi dưới núi Tản Viên
Tên làng Khê Thượng nằm bên sông Đà
Tương Khê hương vị đậm đà
Tương quê truyền thống ông cha lưu truyền”.
Một góc làng Khê Thượng (Sơn Đà, Ba Vì, Hà Nội) hôm nay.

Quả thực vậy, “tương Khê” từ lâu không chỉ là thức quà quê bình dị mà nó còn trở thành nét văn hóa đầy tự hào của những người con miền “sông Đà núi Tản”. Bằng sự nhiệt huyết, tận tâm, người dân Sơn Đà đã không những gìn giữ cách làm tương ngon Khê Thượng mà sản phẩm tương ở vùng quê này ngày càng có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Để có thể làm được tương ngon không phải đơn giản mà phải biết chọn lựa từng khâu, tự đúc rút kinh nghiệm để có sản phẩm tương ngon nhất.

Nguyên liệu làm tương là đỗ tương và gạo nếp nhưng để có thể làm được tương ngon không phải đơn giản mà phải biết chọn lựa từng khâu, tự đúc rút kinh nghiệm để có sản phẩm tương ngon nhất. Đỗ tương phải chọn lựa đỗ mới, bởi đỗ mới hạt mềm hơn hạt đỗ cũ, bên cạnh đó hạt phải đều, không có hạt to, hạt nhỏ, bởi lúc đỗ tương được rang lên thì có hạt chín tới, có hạt lại đen nên ảnh hưởng đến quá trình làm tương sau này. Người sản xuất phải sàng bỏ hạt nhỏ, sâu mọt, tạp chất. Sau khi được rang lên, đỗ được ngâm với nước sạch, sau 10 ngày thì vớt ra. Quá trình đậu tương lên men thủy sinh cùng nước Sông Đà trong mát.

 Ngoài đỗ tương thì gạo nếp cũng là nguyên liệu chính để làm tương. Gạo thường là gạo nếp dẻo hoặc gạo nếp cái hoa vàng. Gạo sau khi sát, ngâm với nước sạch được đem nấu chín là cho vào buồng làm mốc. Để mốc được đảm bảo thì buồng làm mốc này được cài đặt tự động đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm. Gạo nếp thơm tạo mốc bởi mốc giống Asper gillus Orzae, có hoạt tính sinh học đặc biệt cao, cho ra chất lượng tương ngon. Sau khi phối trộn đỗ tương và gạo nếp, bổ sung muối và được ủ, sản phẩm được ra lò đến tận tay người tiêu dùng.
Tương Khê Thượng đã được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao.

Trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Nguyễn Đạo Quang, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho hay, với quy trình tuân thủ nghiêm ngặt, năm 2021 vừa qua, sản phẩm Tương Khê Thượng đã được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm Tương Khê Thượng đã dần có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng là một trong 54 sản phẩm OCOP của huyện Ba Vì trong năm qua.

Hậu Thạch