BVR&MT – Để giải quyết bài toán thiếu nước tưới, thiệt hại do hạn hán, nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất và thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đánh giá, hiện nay, Đắk Nông có hơn 21.700ha cây lâu năm sản xuất ở những vùng không thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu cần chuyển đổi. Cụ thể, có 17.623ha cà-phê và hồ tiêu, 1.033ha điều, 3.019ha cao-su.
Theo phương án, trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030, Đắk Nông sẽ tiến hành chuyển đổi trên diện tích hơn 8.500ha. Trong đó, chuyển đổi 6.252 ha cà-phê, 950ha hồ tiêu, 291ha điều và 1.041ha cao-su trồng tại các vùng kém hiệu quả, không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước tưới sang trồng các loại cây ăn trái khác, số diện tích còn lại sẽ tiến hành chuyển đổi giai đoạn sau năm 2030.
Việc chuyển đổi cây trồng được xem là một trong những giải pháp quan trọng để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Để phương án mang lại hiệu quả, ngành nông nghiệp Đắk Nông sẽ đồng hành với người dân. Trong đó, việc chuyển đổi được thực hiện một cách bài bản, khoa học, tuân thủ quy hoạch, không mang tính tự phát.
Ngành nông nghiệp sẽ là cầu nối để tiêu thụ các loại cây trồng sau khi chuyển đổi, tạo liên kết bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ. Từ chuyển đổi cây trồng, tỉnh Đắk Nông sẽ hình thành các vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, làm cơ sở kêu gọi đầu tư vào sơ chế, chế biến,…