BVR&MT – Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, nhiều người dân ở Đắk Nông đã bảo vệ được mùa màng, hạn chế thiệt hại trong sản xuất.
Gia đình anh Trần Văn Huy, ở xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có hơn 300 cây sầu riêng đang cho thu hoạch. Để chủ động nguồn nước tưới, anh Huy thuê thợ khoan giếng lấy nước tưới cho sầu riêng. Anh đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun mưa trên toàn bộ diện tích sầu riêng để tiết kiệm nước trong mùa khô.
Anh Huy cho biết, sầu riêng là cây trồng cần duy trì độ ẩm. Chính vì thế, nước gần như là điều kiện không thể thiếu để chăm sóc sầu riêng. Mùa khô cũng là mùa sầu riêng ra hoa, đậu quả, nên nước tưới sẽ quyết định đến hiệu quả sản xuất.
Tương tự, gia đình ông Cao Văn Điệp, ở thôn Tân Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, có 900 cây xoài. Để chủ động nước tưới trong mùa khô, ông Điệp đầu tư múc 3 hồ chứa nước rộng khoảng 1.500m2.
Ông Điệp cho biết, trước tình trạng biến đổi khí hậu, ông đã chủ động múc thêm nhiều ao chứa nước để phục vụ tưới cho cây trồng trong mùa khô.
“Nếu mùa khô thiếu nước thì thiệt hại kinh tế gia đình rất lớn, cây trồng chết, công chăm sóc bao năm coi như mất trắng. Chính vì thế, chủ động nguồn nước là giải pháp phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp”, ông Điệp cho hay.
Đắk Nông có 307 công trình thủy lợi. Trong đó, có 255 hồ chứa, 32 đập dâng, 8 hệ thống kênh tiêu, 10 hệ thống trạm bơm và 2 công trình thủy lợi khác. Tổng diện tích mặt thoáng tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh khoảng 3.700ha.
Sở Nông nghiệp – PTNT Đắk Nông |
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp – PTNT cho biết, ngoài những hồ chứa của các công trình thủy lợi, người dân trên địa bàn tỉnh đã tạo thêm hàng ngàn ao, hồ, giếng khoan để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, góp phần chống hạn hán hiệu quả.
Bằng kinh nghiệm của mình trong quá trình sản xuất, người dân luôn có sự tính toán để đưa ra các giải pháp thích nghi với điều kiện bất lợi của thời tiết. Trong đó, đầu tư múc ao, hồ, khoan giếng để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng là một giải pháp được nhiều người áp dụng.
Ở những vùng người dân chủ động được nguồn nước thì thiệt hại thường ít hơn ở các vùng khác. Hiệu quả sản xuất của bà con luôn được duy trì vì hạn chế được sự tác động của thời tiết, khí hậu.
Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, trước những tác động, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường được tỉnh Đắk Nông đưa vào các chương trình, nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và từng giai đoạn.
Các cơ quan chức năng của tỉnh đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các bước cơ bản về chuẩn bị, ứng phó và phục hồi đối với một số loại hình thiên tai thường gặp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nhất là hạn hán, bão lụt.
Công tác ứng phó thiên tai được UBND tỉnh Đắk Nông tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, chú trọng các giải pháp chủ động, linh hoạt, khẩn trương theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”.
Tỉnh Đắk Nông đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác phòng, chống thiên tai cho các địa phương.
Tuy nhiên, hiệu quả nhất trong phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, mùa màng vẫn là sự chủ động, linh hoạt, sẵn sàng của người dân. Điển hình như hạn hán năm nay, những gia đình nào có sự chủ động về nguồn nước tưới, thay đổi về cách thức sản xuất… đều giảm thiểu được thiệt hại.
Tại cuộc họp của UBND tỉnh về phòng, chống lụt bão vào tháng 8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đánh giá: “Sự chủ động của người dân, của cộng đồng dân cư ngay từ các thôn, bon, buôn trong phòng và chống thiên tai là cách tốt nhất để giảm thiểu những ảnh hưởng, thiệt hại trong đời sống, sản xuất”.