BVR&MT – Để Chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện hiệu quả, ngày 14/6, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Công văn số 3301 đề xuất Ủy ban Dân tộc cùng các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thời gian qua, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS & MN) trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Chương trình) còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do chưa có đầy đủ các cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện dẫn đến tiến độ, kết quả thực hiện và giải ngân nguồn vốn đạt thấp.
Theo UBND tỉnh, hiện nay, Chương trình còn 3 nội dung, 3 Tiểu dự án thuộc 4 Dự án thành phần chưa có văn bản quy định, hướng dẫn về thủ tục thanh toán, nội dung, đối tượng, định mức, hình thức hỗ trợ… thuộc thẩm quyền ban hành của bộ, ngành trung ương nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện và giải ngân nguồn vốn đã phân bố. Cụ thể, nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thuộc Dự án 1; Tiểu dự án 4 Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp thuộc Dự án 5; Tiểu dự án 1 Đầu tư phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù thuộc Dự án 9.
Về nội dung hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình về đất ở, nhà ở và đất sản xuất, tỉnh được phân bổ với tổng nguồn vốn là 32,736 tỷ đồng nhưng chưa có cơ sở thực hiện và giải ngân. UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành về cơ chế đặc thù thực hiện và quy trình, thủ tục thanh quyết toán đối với nội dung sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình nhưng không lập dự án đầu tư. Tỉnh Đắk Nông kiến nghị các bộ, ngành trung ương sửa đổi quy định theo hướng: đối với trường hợp hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình về đất ở, nhà ở, đất sản xuất thì không thực hiện theo cơ chế vốn đầu tư mà chuyển sang bố trí vốn thực hiện theo chế độ cấp phát (tương tự như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững).
Đối với việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo theo quy định phải xây dựng trên đất quy hoạch khu dân cư hoặc đất có thổ cư. Tuy nhiên, những hộ nghèo trên địa bàn tỉnh phần lớn sinh sống phân tán trên đất nông nghiệp, không được quy hoạch điểm dân cư nông thôn, không có điều kiện kinh tế để chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư theo quy định, dẫn đến gặp khó khăn trong việc thực hiện. Tỉnh đề nghị Ủy ban Dân tộc có hướng dẫn về nội dung hỗ trợ nhà ở xây dựng trên đất nông nghiệp.
Đối với Tiểu dự án 4 “Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp” thuộc Dự án 5, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 752/QĐ-UBDT ngày 11/10/2022 về việc phê duyệt Khung chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng và cán bộ các cấp triển khai thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, Bộ tài liệu đào tạo bồi dường đến nay vẫn chưa được ban hành. Do vậy, mặc dù Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giai đoạn 5 năm và năm 2022, 2023 trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt nhưng chưa có cơ sở để thực hiện. UBND tỉnh kiến nghị Ủy ban Dân tộc sớm ban hành Bộ tài liệu để tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng và cán bộ các cấp triển khai thực hiện Chương trình.
Tại Tiểu dự án 1 “Đầu tư phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù” thuộc Dự án 9, đến nay vẫn chưa có quy định, hướng dẫn về hình thức hỗ trợ (hỗ trợ có thu hồi vốn hoặc hỗ trợ trực tiếp), định mức và đối tượng hỗ trợ (là hộ gia đình hoặc cộng đồng). Về thành phần các dân tộc còn găp khó khăn, dân tộc khó khăn đặc thù, mặc dù đã có quy định về số lượng chung cho cả nước, nhưng riêng các tỉnh, thành phố (kể cả Đắk Nông) lại không có phụ lục chi tiết số lượng, thành phần dân tộc còn găp khó khăn và dân tộc khó khăn đặc thù. Do đó, Đắk Nông cũng chưa có cơ sở xác định đối tượng thụ hưởng. Cũng vì vậy, tỉnh chưa có cơ sở thực hiện và giải ngân nguồn vốn năm 2022 và 2023 của Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9 là 47,791 tỷ đồng. UBND tỉnh kiến nghị Ủy ban Dân tộc ban hành hoặc tham mưu ban hành theo thẩm quyền về thành phần, số lượng các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong tổng số 32 dân tộc theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021.
Như vậy, tổng số kinh phí đã phân bổ năm 2022, 2023 của Chương trình chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện và giải ngân là 85,118 tỷ đồng, trong khi đó thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 được kéo dài đến ngày 31/12/2023. Do đó, Đắk Nông đã đề nghị Ủy ban Dân tộc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tỉnh thực hiện Chương trình kịp thời, hiệu quả và đúng quy định.