BVR&MT – UBND huyện Krông Búk cho biết, huyện vừa xây dựng phương án thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê niên vụ 2021-2022 trong tình hình dịch bệnh COVID-19.
Bao gồm: Kịch bản 1: Nguy cơ dịch COVID-19 rất cao (Cấp 4), sẽ huy động sự tham gia mọi lực lượng từ huyện đến cơ sở để giúp người dân thu hái cà phê, cùng với nguồn lao động của hộ gia đình và nhân công thuê mướn của các hộ sản xuất cà phê. Tổ thường trực hỗ trợ của xã và huyện sẽ phối hợp nhân công thu hái hỗ trợ người dân trong hoạt động vận chuyển, chế biến và tiêu thụ.
Đối với khu vực bị phong tỏa: Người dân không tự ý thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê của hộ gia đình. Tổ thường trực hỗ trợ của xã và huyện sẽ phối hợp với từng hộ gia đình để huy động các lực lượng như dân quân, công an, hội viên của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức chính trị – xã hội khác hoặc nhân công lao động thuê… giúp người dân thu hái, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê. Lực lượng hỗ trợ thu hái cà phê, lao động thuê mướn (trong và ngoài tỉnh); lực lượng hỗ trợ kỹ thuật của các đơn vị phải được bố trí ăn, nghỉ tại khu vực riêng (do UBND các xã bố trí) trong thời gian mùa vụ thu hoạch cà phê.
Kịch bản 2: Nguy cơ dịch COVID-19 cao (Cấp 3), đối với nguồn nhân lực thu hái, chế biến và bảo quản, sẽ tận dụng tối đa lao động tại chỗ để tham gia thu hoạch cho hộ nhiều diện tích, hộ neo đơn khó khăn về nhân công; các tổ, đội, nhóm hộ, liên kết họ hàng, hàng xóm, người thân để luân phiên, đổi công thu hái cho nhau; các hộ gia đình phải thuê mướn nhân công từ địa phương khác thì phải bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện.
Huyện cũng huy động sự tham gia mọi lực lượng như: Quân dân, hội viên của Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, đoàn viên thanh niên của cấp huyện, xã để hỗ trợ giúp người dân thu hái cà phê đối các gia đình cách ly, gia đình neo đơn thiếu nhân công.
Đối với công tác vận chuyển chế biến và tiêu thụ: Người dân tự tổ chức vận chuyển chế biến và tiêu thụ cà phê hoặc Tổ thường trực hỗ trợ của xã và huyện sẽ hỗ trợ phương tiện vận chuyển, lò sấy cà phê và kết nối thương lái, doanh nghiệp thu mua, vận chuyển cà phê cho người dân.
Lực lượng lao động thuê (ở trong và ngoài tỉnh) đến thu hái cà phê trên địa bàn huyện được bố trí ăn, nghỉ tại khu vực riêng (do hộ sản xuất cà phê bố trí) trong thời gian mùa vụ thu hoạch.
Đối với các hộ gia đình phải cách ly, khu vực phong tỏa: Tổ chức thực hiện thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê như kịch bản 1.
UBND huyện yêu cầu UBND các xã nắm bắt thông tin về diện tích cà phê trong thời kỳ kinh doanh, dự báo sản lượng cà phê trên địa bàn mình quản lý; cập nhật kịp thời tình hình nhân lực, nhân công thu hoạch cà phê trên địa bàn, dự báo nhu cầu sử dụng nhân công cần bổ sung để chủ động phương án thực hiện. Đồng thời, xây dựng phương án cụ thể việc huy động lực lượng giúp dân thu hoạch cà phê trên địa bàn xã một cách hiệu quả; thành lập Tổ tiếp nhận nguồn lao động từ ngoài tỉnh (nếu có) vào địa phương thu hái cà phê và thực hiện việc điều phối nhân công.
Phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với người lao động tham gia thu hoạch cà phê trên địa bàn xã. Đồng thời, công khai số điện thoại đường dây nóng của Tổ điều phối để người dân liên hệ hỗ trợ trong quá trình thu hoạch cà phê và các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19…