Đắk Lắk: Nỗ lực vượt qua dịch Covid-19 lấy lại vị thế ngành du lịch

BVR&MT – Hiện nay, dù còn gặp nhiều khó khăn và thách thức do đại dịch Covid – 19 gây nên nhưng Đắk Lắk vẫn là một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư với trọng tâm kích cầu du lịch.

Mới đây tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với trọng tâm là Chương trình “Kích cầu du lịch Đắk Lắk”. Chương trình kích cầu du lịch Đắk Lắk không chỉ là xúc tiến, quảng bá điểm đến Đắk Lắk an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Tây Nguyên, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch của tỉnh vực dậy thời “hậu Covid-19”.

Đắk Lắk hiện nay không chỉ là điểm đến an toàn, thân thiện tại khu vực Tây Nguyên mà còn là điểm sáng trong công tác kết nối hạ tầng kinh tế, hình thành chiến lược liên kết vùng trong phát triển chế biến công nghiệp, phát triển du lịch và các mô hình kinh tế nông nghiệp lâm nghiệp sinh thái du lịch. Trong bối cảnh đó, phát huy sức mạnh thị trường nội địa trở thành điểm tựa cho tăng trưởng nói chung, tăng trưởng du lịch nói riêng. Với thị trường quy mô trên 90 triệu dân, nếu phát huy và khai thác tốt, du lịch nội địa hoàn toàn là giải pháp “cứu” ngành công nghiệp không khói trong thời điểm này.

Du lịch trên lưng voi – Một sản phẩm du lịch đặc thù chỉ có ở Đắk Lắk .

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk Nguyễn Văn Tâm, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ liên quan đã tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin du lịch hiện đại như: Website (app) có khả năng tương tác, ứng dụng trên các thiết bị di động thông minh, mạng xã hội cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác để tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Lắk với đối tác, đặc biệt là khách nội địa đến từ một số tỉnh thành đã xúc tiến, ký kết và kích cầu khi dịch bệnh được kiểm soát, tiến tới dập tắt trên địa bàn cả nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, bao gồm 21 điểm đến, 24 đơn vị kinh doanh lữ hành (nội địa và quốc tế), hàng trăm cơ sở lưu trú, dịch vụ, nhà hàng… cũng thường xuyên chú trọng việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng một khi du khách quay trở lại Đắk Lắk; tăng cường mối liên kết, chia sẻ giữa các đơn vị làm du lịch trên địa bàn để điều phối tour – tuyến hợp lý và bài bản hơn nhằm nâng cao doanh thu cho từng doanh nghiệp và cho cả toàn ngành trong điều kiện và cơ hội cho phép.

Xác định phát triển du lịch gắn với gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cơ chế, chính sách tập trung khai thác các thế mạnh vốn có, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, mang tính đặc thù, tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách.

Việc khai thác du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số được Đắk Lắk đặc biệt chú trọng.

Thực tế cho thấy, để đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của “ngành công nghiệp không khói”, việc khai thác du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số được coi là hướng đi quan trọng, mở ra nhiều triển vọng. Trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Theo đó, các di tích được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo đã thực hiện tốt vai trò giáo dục văn hóa, lịch sử. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là về di sản ngày càng chặt chẽ, bài bản và chuyên nghiệp hơn. Nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống được phục dựng; các cuộc giao lưu văn hóa, liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc được tổ chức định kỳ. Con em đồng bào các dân tộc thiểu số được tham gia các lớp dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng; truyền dạy hát kể sử thi…

Công tác quản lý lễ hội được tăng cường, hoạt động tổ chức lễ hội đi vào nền nếp. Các địa phương thường xuyên tổ chức tốt các lễ hội như: Hội voi và Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn; lễ hội lồng tồng tại huyện Cư M’gar; lễ hội vật tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc); Lễ hội dân gian Việt Bắc tại huyện Krông Năng; Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar… Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được Chính phủ đồng ý tổ chức định kỳ hai năm một lần đã trở thành sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, thu hút hàng chục nghìn lượt khách. Chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân địa phương và du khách được duy trì định kỳ vào tối thứ bảy tuần thứ hai và tuần cuối mỗi tháng. Ngoài ra, tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, cũng thường xuyên biểu diễn các chương trình cồng chiêng phục vụ khách du lịch…

Lê Vân