BVR&MT – Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, chính quyền các cấp của huyện Đăk Hà đã sáng tạo lồng ghép nhiều chương trình, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các giải pháp để giảm nghèo hiệu quả, nên công tác giảm nghèo trên địa bàn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân giảm 2,74%/năm; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,75%/năm. Toàn huyện hiện nay còn 2.931 hộ nghèo, chiếm 17,33% tổng số hộ và hộ cận nghèo hiện còn 1.324 hộ, chiếm 7,83% tổng số hộ.
Huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum được thành lập ngày 24 tháng 03 năm 1994 theo Nghị định 26/NĐ-CP của Chính phủ, huyện có 04 xã thuộc diện 135. Diện tích đất tự nhiên là 84.446,74ha, dân số khoảng 32.305 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 53,9%.
Triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện đi vào thực chất và hiệu quả, UBND huyện Đăk Hà đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị phối hợp hướng dẫn cấp cơ sở triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo có hiệu quả; thành lập và kiện toàn kịp thời Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện và cấp xã, thị trấn; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong tổ chức thực hiện. Đồng thời lồng ghép, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững… Chủ động trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy nội lực của người dân, nâng hạn mức vay vốn cho hộ nghèo để phát triển các mô hình sản xuất; Phát huy sức dân trong việc chung tay xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới và phát triển cơ sở hạ tầng.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết HĐND huyện đề ra về công tác giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới. Ngay từ đầu năm huyện Đăk Hà đã ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư có trọng điểm, hiệu quả; xác định giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài không chạy theo thành tích. Huyện đã cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, các xã thuộc diện 135 và tạo điều kiện tốt nhất để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nhanh các nguồn vốn để phát triển kinh tế, tiến tới giảm nghèo một cách bền vững.
Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Đăk Hà đã quy hoạch vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với quy mô 500 ha tại các xã Đăk Mar, Hà Mòn, Đăk Ngọc và thị trấn Đăk Hà; Quy hoạch vùng trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao Tổ dân phố 5 – thị trấn Đăk Hà; vùng sản xuất cao su tại các xã Đăk La, Đăk Hring, Ngọc Wang; vùng sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô 1.000 ha tập trung trên địa bàn các xã Đăk La, Đăk Ngọc và thị trấn Đăk Hà; vùng sản xuất sắn tập trung tại các xã Đăk Ngọc, Ngọc Wang, Ngọc Réo. Khu giết mổ tập trung tại TDP 3b, thị trấn Đăk Hà; Cụm Công nghiệp Đăk Mar với quy mô 37 ha.
Điển hình về mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện là: Mô hình sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn UTZ của HTX Nông nghiệp và dịch vụ công bằng Pô Kô Farm bước đầu đang đem lại hiệu quả cho các xã viên. Tại xã Đăk Ui, xã Đăk Mar thực hiện mô hình đào tạo nghề nông thôn, mô hình phát triển kinh tế vay vốn của Ngân hàng CSXH…. Như: Áp dụng giống Ca phê mới đạt tiêu chuẩn, sử dụng phân bón hữu cơ với 100 ha cà phê tại thôn Kon Klốc xã Đăk Mar…..
Nhằm phát huy thế mạnh những sản phẩm đặc trưng của địa phương, Đăk Hà đã cho triển khai xây dựng thành công mô hình cánh đồng Mẫu lớn về sản xuất lúa thơm Đăk La quy mô 32 ha… Song song với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, huyện còn tập trung xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”, sản phẩm đặc trưng của các xã, thị trấn như Lúa gạo Đăk La, Măng le xã Đăk Pxy, Nấm xã Đăk Hring, Trái cây Ngọc Wang…..
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nên năm 2018, Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới tại Đắk Hà đạt kết quả đáng ghi nhận; toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, có 3 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và 4 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Các xã đạt chuẩn NTM giữ vững được các tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 50% tổng số hộ nghèo… tuy nhiên tỷ lệ giảm nghèo không đồng đều, một số địa phương tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao.
Nhằm tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế giảm nghèo nhanh, bền vững… năm 2019 NHCSXH Việt Nam sẽ bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Hà 20 tỷ đồng hỗ trợ những mô hình thoát nghèo.
Tại buổi kiểm tra tình hình phát triển kinh tế – xã hội, triển khai Nghị quyết 02 và Kết luận 366 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ông Lê Ngọc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Để công tác giảm nghèo và Xây dựng Nông thôn mới tại Đắk Hà đạt kết quả và bền vững, trong những năm tới huyện cần rà soát, sắp xếp quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh; đẩy mạnh triển khai chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao. Nâng cao hiệu quả mối liên kết 4 nhà “Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông”. Lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp; khai thác tiềm năng đất đai, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời thu hút các tổ chức đầu tư ứng dựng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến trên địa bàn huyện.
Phượng Long