BVR&MT – Sáng nay, 9/11, tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội của Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đến trường của học sinh có thể phải tạm dừng bất cứ lúc nào, dạy trực tuyến là lựa chọn phù hợp. Nhưng các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng dạy và học trực tuyến dù đây sẽ là xu hướng tất yếu, lâu dài.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP Hà Nội), trong bối cảnh đại dịch Covid – 19, việc dạy học trực tuyến đã được triển khai trên toàn quốc nhưng vẫn còn một số học sinh rất khó khăn trong việc học trực tuyến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Do đó, cần có giải pháp, chính sách bảo đảm sự đồng đều trong việc tiếp cận học trực tuyến và đảm bảo chất lượng học tập của học sinh trong điều kiện hiện nay.
Đại biểu cũng đề nghị, cần phải triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch… Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa để nâng cao chất lượng bài giảng, phát huy khả năng tự học của học sinh và sinh viên.
Một số đại biểu cũng đưa ra quan điểm, với những diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh và xu hướng phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, hình thức học trực tuyến cần được xác định không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là một xu hướng tất yếu lâu dài. Do vậy, đề nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên; xác định những bất cập và có giải pháp để phát huy tốt ưu điểm của hình thức giáo dục đào tạo trực tuyến.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, chất lượng việc dạy và học trực tuyến chưa được bảo đảm do nhiều yếu tố khách quan như: Chất lượng đường truyền internet không ổn định; một bộ phận thầy cô giáo, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; thiết bị sử dụng dạy học hạn chế cả về số lượng, chất lượng; việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa thật hiệu quả…
Mặt khác, việc dạy và học trực tuyến kéo dài cũng gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy, người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài. Học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô, bạn bè, trong khi nhiều phụ huynh chưa tương tác hợp lý với con trong quá trình học trực tuyến. Bên cạnh đó giáo viên cũng dễ nảy sinh áp lực tâm lý khi một tiết dạy không chỉ có học sinh mà có cả phụ huynh, thậm chí dư luận và cả mạng xã hội cùng “nhìn”…
Đại biểu đề xuất Chính phủ giao cho các bộ, ngành hữu quan có kế hoạch nâng cấp đường truyền để bảo đảm chất lượng dạy và học trực tuyến; mở rộng đối tượng được tiếp cận với Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; nghiên cứu các hình thức thu hút doanh nghiệp tham gia vào Chương trình để sớm đạt được mục tiêu không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
“Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu tổ chức các chương trình đối thoại, trao đổi giữa cấp quản lý giáo viên, phụ huynh và học sinh để chia sẻ và xóa bỏ áp lực tâm lý của các bên khi học trực tuyến kéo dài. Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý việc dạy và tổ chức dạy trực tuyến phù hợp, hiệu quả, tiên tiến và thân thiện với người dùng” – đại biểu đề nghị.