BVR&MT – “Then” là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Tày, Nùng, Thái trắng ở miền núi phía Bắc Việt Nam.
Có thể khẳng định, nơi đâu có người Tày, Nùng, Thái trắng định cư, nơi đó hình thức sinh hoạt tín ngưỡng Then được duy trì. Vùng sống định canh, định cư lâu đời của người Tày, Nùng, Thái trắng tập trung chủ yếu ở vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam, do đó việc thực hành di sản văn hóa tín ngưỡng Then cũng tập trung chủ yếu ở các vùng này. Hiện nay, những trung tâm Then lớn có ảnh hưởng tới các địa phương khác là Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang (vùng Then Tày- Nùng) và Lai Châu (vùng Then Thái trắng). Tại tỉnh Điện Biên, loại hình văn hóa tín ngưỡng Then còn bảo lưu, thực hành tại thị xã Mường Lay- thủ phủ của ngành Thái trắng ở tỉnh Điện Biên.
Những người nắm giữ hồn Then
Năm 2012, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ quốc gia Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên cơ sở các tư liệu phỏng vấn điền dã, số liệu kiểm kê di sản Then, đến hết năm 2017, tổng số nghệ nhân Then đang hành nghề tại 11 tỉnh phía Bắc là 802 người. Trong đó, nghệ nhân thuộc cộng đồng dân tộc Thái có 21 người, riêng tại tỉnh Điện Biên có 5 người, đa phần những nghệ nhân Then này sinh ra và lớn lên tại thị xã Mường Lay- cái nôi của cộng đồng dân tôc Thái, ngành Thái trắng Điện Biên.
Nhiều năm qua, người dân cộng đồng Thái trắng ở Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung thường gọi ông Vàng Văn Thức (sinh năm 1962, bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) bằng tên gọi “Mo Thức” với thái độ trân trọng, trìu mến. Ông Vàng Văn Thức đang là một trong số ít các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Điện Biên có thể thực hành Then với các nghi lễ: Then giải hạn, Then cấp sắc, Lễ gọi hồn cho người ốm, Lễ tạ ơn ông bà đã mất, cúng đuổi ma…
Ông Vàng Văn Thức chia sẻ, vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghề Then, ông học Then khi mới 18 tuổi từ mẹ đẻ của mình là bà Lò Thị Khúy. Không chỉ là người có khả năng thực hành nghi thức Then, bằng tài năng thẩm âm và tình yêu đặc biệt đối với văn hóa dân tộc của cộng đồng Thái trắng của mình, ông đã học tập, nghiên cứu và chế tác thành công cây Tính tẩu có hình dáng đẹp, âm sắc đạt chuẩn dựa trên kỹ thuật chế tác theo tiêu chuẩn lý tính, hóa tính và vật lý âm thanh. Bản thân ông có khả năng đệm đàn Tính tẩu và hát những bài Then cổ làm mê đắm lòng người.
Tài năng hành nghề Then và kỹ thuật sử dụng đàn Tính của ông Vàng Văn Thức đã được khẳng định qua kết quả tại các cuộc thi, hội diễn như: giải A các tiết mục: “Lên trời cầu khấn” và “Hòa tấu đàn Tính” tại Liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc năm 2007 tổ chức tại Cao Bằng; giải A tiết mục “Lễ hội hồn người trần gian lên chơi chợ Mường Trời” tại Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa và trình diễn trang phục dân tộc tại Lâm Đồng, năm 2014; giải A tiết mục “Hát then” tại Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên năm 2014; giải B tiết mục “Khúc gọi hồn người chiến sĩ năm xưa” tại Liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc năm 2015…
Bản thân ông Vàng Văn Thức cũng đã tích cực, đóng góp một phần không nhỏ trong việc phục dựng thành công hai loại hình di sản văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của người Thái trắng Mường Lay là Lễ hội đua thuyền và Nghệ thuật múa Xòe Thái.
Nhờ đó, năm 2015, ông Vàng Văn Thức được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú loại hình nghệ trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Theo ngành Văn hóa, Du lịch tỉnh Điện Biên, hiện nay trên địa bàn ngoài ông Vàng Văn Thức còn có 4 chủ thể văn hóa tiêu biểu (người hành nghề Then) khác đang thực hành di sản Then là bà Lừ Thị Thiếm (đội 7, bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên), bà Lò Thị Xính (bản Đán, phường Na Lay, thị xã Mường Lay), ông Khoàng Văn Quán (bản Hốc, phường Na Lay, thị xã Mường Lay); ông Khoàng Văn Dọng (bản Nậm Nèn 1, xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà).
Then trong đời sống người Thái trắng
Trong đời sống xã hội, cộng đồng người Thái trắng tại Điện Biên thường sử dụng các làn điệu hát Then, đàn Tính vào các nghi lễ, hội hè. Vai trò, vị trí của loại hình văn hóa tín ngưỡng Then từ xa xưa đã đáp ứng nhu cầu tâm linh, phản ánh nhân sinh quan, đạo đức, lối sống, các nghi lễ liên quan đến lễ tục vòng đời, môi trường sống và đặc biệt là có tính nhận diện văn hóa của người Thái trắng so với 18 cộng đồng dân tộc khác sinh sống trên địa bàn.
Trong loại hình nghệ thuật Then, thầy Then- người hành nghề Then- chủ lễ, được coi là những người có năng lực giao tiếp với thế giới siêu nhiên, có khả năng hát Then, sử dụng Tính tẩu. Nghệ thuật Then Thái là loại hình nghệ thuật tổng hợp, chứa đựng những tri thức dân gian, mang đậm sắc màu về tập quán xã hội và tín ngưỡng, quan niệm thế giới quan, nhân sinh quan của người Thái trắng. Ngoài ra, quá trình thực hành Then còn là sự kết hợp hài hòa và tinh tế giữa khả năng đặc biệt của chủ thể về việc ứng biến các giai điệu hát Then phù hợp với ngữ cảnh, nội dung nghi lễ hòa lẫn với âm thanh trầm bổng của Tính tẩu. Do vậy, thực hành tín ngưỡng Then cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn, gìn giữ những tập tục tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Thái trắng.
Lễ Then cấp sắc là đại lễ Then dành cấp bằng cho người làm nghề Then. Lễ được tổ chức từ 3 đến 5 năm một lần, thường vào tháng Hai, tháng Ba (âm lịch) với ý nghĩa khao quân, khao binh tướng. Tại Lễ Then cấp sắc, thầy Then chủ trì tổ chức “Lễ bắc cầu truyền nghề Then” cho các “con nuôi” là những người có khả năng thực hành nghi lễ Then. Vì vậy, lễ Then cấp sắc là minh chứng để cho một người đã có “căn duyên” hành nghề Then được chính thức nối nghiệp và để đánh dấu sự trưởng thành của người làm nghề Then. Lễ chứa đựng yếu tố văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn nghệ thuật hát Then, đàn Tính. Do vậy, bảo tồn loại hình nghệ thuật này giống như việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Đồng bằng Bắc bộ.
Với Hội Then (Lễ Kin Pang Then) có nội dung cúng khai đàn, mừng các “Then trên trời” xuống trần gian. Người Thái trắng quan niệm, phía trên thế giới thực của con người là thế giới của vua Trời, cõi trời cũng là một Mường, trong đó các tướng lĩnh của vua Trời là các Then. Hằng năm, vào ngày mồng 3 tháng Giêng và ngày 14 tháng 8 âm lịch, vua Trời phái các vị Then xuống hạ giới nên những người hành nghề Then ở trần gian tổ chức cúng khai đàn, bày lễ cúng để tạ ơn các vị Then trên trời và cầu mưa, cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc cho bản Mường.
Diễn trình trong Hội Then gồm nhiều lễ thức độc đáo như: Mừng chúc lễ; ra mắt, mời rượu; niệm chú xin thông họng; trình báo bàn thờ, kiểm tra lễ; mở đường; Then lên núi; Then dâng lễ thần núi; hành trình lên Trời; Mời vua Trời, Vua Trời về dự… Qua đó cho thấy, Hội Then vừa là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, vừa nghi lễ mang tính tâm linh của người Thái trắng.
Tìm hiểu nội dung, hình thức của các lễ Then khác như: Lễ Then cầu yên; lễ Then cầu mùa; lễ Then chữa bệnh… chúng ta dễ dàng nhận thấy tri thức về tập quán xã hội và tín ngưỡng, tính nhân văn, nét văn hóa đặc sắc, hình thức diễn xướng dân gian độc đáo của người Thái gửi gắm trong đó.
Nghệ thuật Then của người Thái trắng ở Điện Biên đã tham gia vào Hồ sơ đề cử quốc gia đệ trình UNESCO, đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhằm kiểm kê, nhận diện, đánh giá hiện trạng của di sản và xác định giá trị, vai trò của di sản Then trong đời sống cộng đồng dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Quá trình xây dựng hồ sơ di sản, các bộ ngành, cơ quan chức năng liên quan và các địa phương đã nghiên cứu, khẳng định vai trò của loại hình nghệ thuật Then trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái; tôn vinh giá trị sáng tạo nghệ thuật dân gian của những chủ thể văn hóa đối với di sản Then trong tổng thể những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Điện Biên nói riêng, cả nước nói chung; góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng văn hóa quốc tế.