BVR&MT – Cứ mỗi độ đầu xuân năm mới, trong hai ngày 16 -17 tháng Giêng tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc lại diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống, thu hút hàng nghìn lượt người đến xem và cổ vũ cho các cặp trâu chiến đấu. Tương truyền lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên, cũng là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam.
Theo ghi chép trong thư tịch cổ khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm như các đấu sĩ trâu. Trâu sau khi chọi đều được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.
Kể từ đó đến nay mỗi độ tết đến xuân về người dân Sông Lô lại truyền tai nhau câu ca :
“Dù ai đi đâu, ở đâu
Tháng giêng mười bảy chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng giêng mười bảy nhớ về chọi trâu”
Lễ hội chọi trâu được nhân dân trong vùng lưu giữ qua nhiều đời và dần dần đây trở thành một cổ tục truyền thống của người dân. ở vùng đất ven con sông hồng này, người dân xã Hải Lựu, huyện Sông Lô không chỉ coi con trâu là con vật gắn liền với cuộc sống mưu sinh của những người nông dân lao động sớm hôm ngoài đồng, mà nơi đây còn coi những “ông cầu” như một biểu tượng của sự ấm no và may mắn như đúng cái tên “ông cầu” mà người dân vẫn gọi.
Nuôi trâu chọi cũng lắm công phu
Khác với những nơi khác là trâu được các cá nhân, tổ chức ở một xã hoặc huyện tự mua về rồi chăm sóc tới ngày lễ hội thì ở Hải Lựu, “ông cầu” được một tập thể gồm các xóm làng, họ tộc,… cùng nhau tuyển chọn mua về và cùng nhau chăm sóc tới ngày hội đấu. Những “ông cầu” được những người có kinh nghiệm trong tập thể đi mua và tuyển chọn từ tháng 6 tới tháng 7 hàng năm và được chọn mua từ các tỉnh vùng cao như Hà Giang, Điện Biên, Sơn La vì theo họ những con trâu ở vùng cao sẽ có sức khỏe và vóc dáng tốt.
Anh Nguyễn Anh Văn một người được sinh ra trong gia đình có truyền thống nuôi trâu chọi chia sẻ : “Sau khi tuyển được trâu ưng thì thì việc chọn gia đình nào nuôi cũng rất được chú trọng, gia đình được chọn phải là gia đình hòa thuận, có con cái hiếu thảo thì mới được chăm sóc “ông cầu” và các gia đình còn lại phải có nghĩa vụ cùng nhau góp sức cả về vật chất lẫn tinh thần để cùng nhau chăm trâu”.
Để nuôi một “ông cầu” thì người nuôi phải dành ra cả 6 đến 7 sào ruộng để trồng cỏ. Trâu sẽ được ăn cỏ tươi, sắn tươi hàng ngày và các bữa ăn trong ngày thì được chia nhỏ ra chia làm nhiều bữa đảm bảo cho trâu được ăn no. Và sau thời gian chăm sóc thì khi gần thi đấu những chiến binh sẽ được những người nuôi luyện cho những “ông cầu” của mình một lối đánh riêng. Nhưng trong bất kì lối đánh nào thì đều phải sử dụng cách đánh đầu đối đầu mặt ghì sát xuống đất để thể hiện lòng thượng võ của dân tộc.
Là một nét đẹp văn hóa truyền thống nên trâu trước khi vào sới chọi đều được bốc thăm chia cặp ra thi đấu,những “ông cầu” sau khi thắng sẽ được vào những vòng sau và chỉ hai chiến binh xuất sắc nhất mới được vào vòng chung kết. Sau khi lễ hội kết thúc thì “ông cầu” vô địch cũng sẽ được “mổ khao”. Trâu thắng chung cuộc sẽ được chủ trâu mang đi tế lễ tại đình và mang về làm chiến tích để mọi người đến chúc mừng, cũng là một niềm may mắn mỗi độ xuân về.
Nguyễn Nam