BVR&MT – Ngày 22/3, UBND Tp Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo chuyên gia về đề án chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp của các Chuyên gia đối với dự thảo Đề án Chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng; qua đó, góp phần hoàn thiện nội dung Đề án, ban hành và tổ chức triển khai Đề án đảm bảo khả thi, hiệu quả.
Chủ trì Hội thảo gồm: Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng; ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hội thảo với sự tham gia của gần 100 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; các đồng chí nguyên là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện; lãnh đạo các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố…
Phát biểu khai mạc, chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư thành ủy Đà Nẵng đánh giá: “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ –TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ là “chìa khóa” cho triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW cũng như tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư; Đà Nẵng phải triển khai Chuyển đổi số để góp phần Chuyển đổi số quốc gia thành công. Đối với thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy chỉ đạo: “Chuyển đổi số là “động lực” để giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển thành phố đã xuất hiện năm qua; góp phần đạt mục tiêu “đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và ASEAN” và tầm nhìn “thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống” như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định”.
Tại hội thảo, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định: “ Đà Nẵng xác định quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; trong đó đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi; lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và “dẫn dắt” phát triển kinh tế số, xã hội số. Để triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng thành công, điều tiên quyết cần phải có chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, rõ ràng, dễ tiếp cận và dễ triển khai nhất; cũng như thể hiện quyết tâm chính trị của Lãnh đạo thành phố thông qua Nghị quyết, Đề án. Thành phố Đà Nẵng rất đề cao vai trò của các chuyên gia trong góp ý, phản biện Đề án chuyển đổi số của thành phố; cũng như tham gia trong suốt quá trình triển khai.
Hội thảo đã nhận được sự tham gia và phát biểu ý kiến của các chuyên gia đầu ngành gồm: TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; GS.TSKH Bùi Văn Ga, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn FPT; GS-TS Nguyễn Thanh Thủy…
Tại hội thảo, UBND Tp Đà Nẵng đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng”; “Ngày chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng 28/8” và Lễ Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai Chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng giữa Sở Thông tin và Truyền thông và Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong thời gian gần đây, chúng ta thường nghe đến khái niệm “chuyển đổi số” được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn để chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giao cho Bộ Thông tin & Truyền thông xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia và trình Đề án cho Thủ tướng ngay trong năm 2019.
Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (Digital Transformation trong tiếng Anh) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.
Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Không chỉ có vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học…
“Chuyển đổi số” (Digital Transformation) có thể dễ bị nhầm lẫn với khái niệm “Số hóa” (Digitizing). Để phân biệt hai khái niệm này, có thể hiểu rằng “Số hóa” là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số…); trong khi đó, “Chuyển đổi số” là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Có thể xem “Số hóa” như một phần của quá trình “Chuyển đổi số”.
Tại sao “Chuyển đổi số” lại quan trọng và mang lại những lợi ích gì?
Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC… đều chỉ ra rằng chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp: từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh…
Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên… những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Tận dụng các nền tảng công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện được nhiều lĩnh vực và hướng đến 5 mục đích cuối cùng của chuyển đổi số.
Trong khi đó đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Còn đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Chuyển đổi số còn góp phần gia tăng năng suất lao động. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.
Nhìn chung, theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường thì 5 mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng
Chuyển đổi số đang được diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam như thế nào?
Chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức. Bộ máy chính quyền của nhiều quốc gia sau khi nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo an ninh quốc gia, đã lập tức bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số.
Tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Trong đó khu vực châu Âu được đánh giá là khu vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất, tiếp đến là Mỹ và quốc gia tại châu Á.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong cuộc đua chuyển đổi số. Tại Việt Nam, các mô hình chuyển đổi số cũng đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Tuy nhiên, họ cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh của nền kinh kế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang chuẩn bị ban hành Nghị quyết về chương trình chuyển đổi số thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu là triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số trong tái cấu trúc quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; hình thành hệ sinh thái sử dụng công nghệ số, kinh tế số phát triển, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành xã hội số, công dân số. Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống và đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Trước đó, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 3/6/2020 tại Quyết định 749, ngày 12/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Đề án Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia.
Bộ chỉ số đánh giá chuyển đối số được ban hành nhằm đáp ứng mục tiêu chung là “Xác định bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả chuyển đổi số hàng năm của các bộ, ngành, địa phương và của cả nước trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia” và 10 mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu “Hàng năm tổ chức triển khai xác định, công bố kết quả đánh giá chuyển đổi số của các bộ, các tỉnh và cả nước”.
Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Mỗi trụ cột đều có 7 chỉ số chính gồm: Chỉ số đánh giá về chuyển đổi nhận thức; Chỉ số đánh giá về kiến tạo thể chế; Chỉ số đánh giá về phát triển hạ tầng và nền tảng số; Chỉ số đánh giá về thông tin và dữ liệu số; Chỉ số đánh giá về hoạt động chuyển đổi số; Chỉ số đánh giá về an toàn, an ninh mạng; Chỉ số đánh giá về đào tạo và phát triển nhân lực. Trong các nội dung, chỉ tiêu cụ thể, có nội dung “Công bố và tổ chức sự kiện Ngày chuyển đổi số hàng năm của tỉnh, thành phố”.
Với dân số 96 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.
Hồng Sơn