Đà Nẵng: Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị địa phương, chuyển đổi số và phát triển bền vững vùng”

BVR&MT – Ngày 11.7, tại thành phố Đà Nẵng, Viện khoa học xã hội vùng Trung Bộ phối hợp với Trường Quản trị kinh doanh EM Normandie (CH Pháp) đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế thường niên năm 2024 với chủ đề: “Quản trị địa phương, chuyển đổi số và phát triển bền vững vùng”.

Đến tham dự hội thảo có các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Chủ trì hội thảo có T.S Phan Chí Hiếu; Giáo sư VG Venkatesh; PGS.TS Nguyễn Hữu Thành Tâm; TS. Hoàng Hồng Hiệp; TS. Trần Minh Đức. Tại hội thảo: TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho biết: Phát triển bền vững là con đường tất yếu của mỗi quốc gia nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển liên tục của con người nói riêng và trái đất nói chung. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc về phát triển bền vững được tổ chức tại thành phố New York (Mỹ) vào tháng 9 năm 2015, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững. Chương trình nghị sự này gồm 17 mục tiêu Phát triển Bền vững và 169 chỉ tiêu cụ thể, hướng tới việc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo thịnh vượng cho tất cả mọi người vào năm 2030. Các mục tiêu phát triển bền vững nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển bền vững trong ba chiều cạnh chính: kinh tế, xã hội và môi trường.

TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Trung Bộ phát biểu tại hội thảo.

Nhằm đạt được những mục tiêu này một cách công bằng và hiệu quả, chương trình nghị sự 2030 khuyến khích các quốc gia địa phương hoá các mục tiêu phát triển bền vững và cải thiện hiệu quả quản trị địa phương. Thực tiễn cho thấy, quản trị địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Điều này là do quản trị địa phương cho phép việc ra quyết định phù hợp với nhu cầu, sở thích và hoàn cảnh cụ thể của cộng đồng địa phương.

Chính quyền địa phương gần gũi với người dân hơn và có thể tham gia trực tiếp với cộng đồng trong việc lập kế hoạch và thực hiện các dự án phát triển. Phương pháp tham gia này làm tăng khả năng thành công và bền vững của các kết quả phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Chính quyền địa phương thường chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi của mình. Quản trị địa phương
hiệu quả có thể đảm bảo việc sử dụng và bảo tồn bền vững các tài nguyên thiên nhiên như nước, đất và rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế bằng cách tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận thị trường và thúc đẩy các ngành công nghiệp địa phương. Từ đó góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế.

Quang cảnh buổi hội thảo.

17 mục tiêu phát triển bền vững được Liên hợp quốc và các quốc gia thông qua khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ kỹ thuật số để thay đổi quy trình, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động quản lý và kinh doanh – hay còn gọi là chuyển đổi số đang làm thay đổi gần như mọi lĩnh vực của nền kinh tế; bao gồm sản xuất, y tế (y tế từ
xa), giáo dục (học trực tuyến), hành chính công (quản trị điện tử và bỏ phiếu điện
tử) và khoa học và công nghệ. Chuyển đổi số giúp nâng cao năng suất, giảm chi
phí sản xuất, giảm khí thải, mở rộng khả năng tiếp cận, giảm cường độ sử dụng tài
nguyên, cải thiện sự kết nối trên thị trường, cho phép sử dụng dữ liệu lớn và làm
cho các dịch vụ công trở nên dễ tiếp cận hơn. Chưa dừng lại ở đó, chuyển đổi số giúp cải thiện hiệu quả tài nguyên, hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn, kích hoạt các hệ thống năng lượng không carbon, và giúp giám sát và bảo vệ các hệ sinh thái. Nhờ đó, các địa phương sẽ có cơ hội tận dụng sức mạnh của công nghệ để vượt qua các thách thức nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách nhằm nâng cao chất lượng thể chế địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vùng.

Các nhà khoa học cũng nhận định rằng chuyển đổi số sẽ giúp các quốc gia đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững nhanh hơn và với chi phí thấp hơn.

Giáo sư Nazik FADIL trình bày tham luận nghiên cứu “Số hóa và những đặc trưng tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh dịch Covid” tại hội thảo.

Hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị địa phương, chuyển đổi số và phát triển vùng” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài nước và các nhà quản lý trao đổi các vấn đề học thuật, chia sẻ các vấn đề lý luận, kinh nghiệm thực tiễn cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị địa phương và chuyển đổi số, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững quốc gia nói chung và vùng nói riêng.

Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 186 bài viết, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các học giả trong và ngoài nước. Trong đó, các học giả quốc tế là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu có uy tín trên thế giới như Trường Quản trị kinh doanh EM Normandie, Đại học Paris Nanterre – Cộng hoà Pháp; Đại học Khoa học Nông nghiệp – Thuỵ Điển; Đại học Galati – Romania; Đại học Hawaiʻi tại Hilo, Đại học Neveda, Đại học Baylor, Đại học Texas A&M – Hoa Kỳ; Đại học Ambedkar, Đại học O.P. Jindal Global – Ấn Độ; Đại học Công nghệ Kochi – Nhật Bản; Đại học Ubon Ratchathani – Thái Lan; Viện Hàn lâm Hoàng Gia – Campuchia; … Hội đồng khoa học đã tiến hành tuyển chọn 64 bài viết có chất lượng để biên tập và xuất bản kỷ yếu hội thảo có chỉ số ISBN.

Các bài viết gửi đến Hội thảo có nội dung phong phú và có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn. Trong số 64 bài viết được chọn, có 28 bài viết đề cập đến chủ đề ‘Quản trị địa phương và phát triển bền vững’; 23 bài viết trình bày về chủ đề ‘Quản
trị địa phương, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững’; và 13 bài
viết tập trung vào chủ đề ‘Quản trị địa phương, kinh tế biển, kinh tế hàng hải, kinh
tế tuần hoàn và phát triển bền vững’. Các nghiên cứu đã cho thấy một bức tranh cụ
thể và rõ nét về quản trị địa phương, chuyển đổi số và phát triển bền vững dưới nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau. Các kết quả nghiên cứu này góp phần gợi
mở những định hướng nghiên cứu mới và các giải pháp hữu hiệu trong phát triển
bền vững vùng trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển vùng ở Việt Nam
theo hướng nhanh và bền vững.

Một số tác phẩm sách nghiên cứu do Viện khoa học và xã hội vùng Trung Bộ xuất bản, được trưng bày trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập.

Cũng trong sáng ngày 11.7, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, xây dựng và phát triển. Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ là cơ quan nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – tên giao dịch quốc tế là Institute of Social Sciences of the Central Region (ISSCR). Trụ sở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ ra đời từ năm 2004 (theo Nghị định số 26/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ). Trải qua chặng đường 20 năm, với sự quan tâm, tạo điều kiện của Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam và sự nổ lực tự thân, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong nghiên cứu khoa học, tư vấn, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách phát triển nhanh và bền vững vùng, địa phương; đào tạo nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn cho vùng, được nhiều địa phương ở vùng Trung Bộ đã biết đến đề xuất đặt hàng nghiên cứu giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Viện cũng đã tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học, thu hút được sự tham gia của nhiều học giả trong nước và quốc tế….

Hồng Sơn