BVR&MT – Ngày 28/4, tại Thành phố Đà Nẵng, Công ty Cổ phần tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (gọi tắt WATEC) đã tổ chức hội thảo giới thiệu Hệ thống cảnh báo lũ thông minh VFASS.
Cảnh báo thiên tai nói chung và cảnh báo ngập lụt mưa lũ một cách tức thời hiệu quả đến cộng đồng, người dân luôn là thách thức lớn trong công tác phòng chống thiên tai ở nước ta hiện nay.
Tiếp nối thành công của hệ thống đo mưa tự động VRAIN, Công ty Cổ phần tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước tiếp tục giới thiệu hệ thống cảnh báo lũ thông minh VFASS dựa trên nền tảng công nghệ kết nối vạn vật. Cả hai hệ thống này đã được Sở KHCN Thành phố Đà Nẵng trao giấy xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, không sử dụng ngân sách nhà nước cho Công ty Cổ phần tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước Watec.
Đến tham gia buổi hội thảo có ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, ông Nguyễn Văn Vỹ, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên, Tiến sỹ Kiều Xuân Tuyển, Phó Viện trưởng Viện khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, Bà Nguyễn Thị Thúc, Giám đốc điều hành Quỹ cộng đồng phòng chống thiên tai, ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo Sở KH-CN Tp Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục thủy lợi, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Thừa Thiên – Huế, Hòa Bình, DakNong,…
Việt Nam là quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Một trong các biểu hiện rõ nét là tình hình thiên tai, lũ lụt ngày càng cực đoan bất thường. Thách thức lớn nhất trong trong công tác cảnh báo thiên tai đến cộng đồng hiện nay là cảnh báo kịp thời để người dân ứng phó. Để giải quyết vấn đề này, Công ty Cổ phần tư vấn và phát triển tài nguyên nước WATEC đã hợp tác phát triển Hệ thống cảnh báo lũ thông minh VFASS dựa trên ứng dụng IoT – Kết nối Vạn Vật (Internet of Things) với công nghệ kết nối không dây LoRa. Hệ thống VFASS gồm các thiết bị cơ bản: Cảm biến, Thiết bị điều khiển; Thiết bị cảnh báo (trong nhà ngoài trời) và nền tảng quản lý (hệ thống dữ liệu, phần mềm…). Các thiết bị được kết nối qua giao tiếp LoRa và hoạt động bằng Pin năng lượng mặt trời (có accquy, pin dự phòng).
Ưu thế vượt trội của hệ thống VFASS so với các hệ thống cảnh báo khác là vận hành cảnh báo không phụ thuộc vào nguồn điện và mạng viễn thông.
Thiết bị điều khiển cũng được kết nối với nền tảng quản lý qua giao tiếp 3G, 4G, từ đó cho phép các cơ quan quản lý theo dõi vận hành của hệ thống, độ sâu ngập lụt, lượng mưa…tại các điểm cảnh báo qua Internet.
VFASS đề xuất 4 giải pháp cụ thể để giải quyết 4 vấn đề lớn trong cảnh báo thiên tai ở nước ta hiện nay, đó là: Cảnh báo ngập lụt tại cộng đồng, cảnh báo ngập sâu tại ngầm tràn, hầm chui và đô thị, cảnh báo an toàn hạ du hồ chứa, cảnh báo lũ quét và mưa lớn vượt ngưỡng.
Hiện nay các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, đã xây dựng nhiều tháp báo lũ, các tháp này chỉ đánh dấu được các mực nước lũ đã xảy ra mà không thể cảnh báo tức thời đến tình trạng lũ đến cộng đồng.
Giải pháp đề xuất của VFASS như sau: Tại các tháp báo lũ hoặc các vị trí gần khu vực dân cư, sẽ đặt các thước đo mực nước điện tử và trạm điều khiển gần đó. Tại các trung tâm dân cư sẽ đặt các Trạm điều khiển ngoài trời với đèn báo và loa phát thanh công suất 150W. Trạm điều khiển ngoài trời có thể kết hợp với chức năng truyền thanh tại cộng đồng qua máy bộ đàm hoặc điện thoại di động. Tại các nhà dân sẽ đặt thiết bị báo động trong nhà (kết hợp với đồng hồ điện tử).
Khi mực nước lũ tại vị trí thước đo điện tử dâng cao đến mức báo động (mức báo động được cài đặt theo 03 mức tùy theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của khu vực dân cư), thông qua giao tiếp LoRa, toàn bộ các thiết bị điều khiển và cảnh báo được kích hoạt. Thiết bị cảnh báo ngoài trời, thiết bị cảnh báo trong nhà sẽ phát thanh cảnh báo đến cộng đồng…
Hồng Sơn