BVR&MT – Trước tình hình nạn dịch tả lợn châu Phi (African Swine Ferver – ASF) có nguy cơ lan rộng trên địa bàn các địa phương trên cả nước, tại TP. Đà Nẵng, tuy chưa phát hiện trường hợp bị xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi nhưng UBND TP. Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt và chuẩn bị ráo riết trong công tác ngăn ngừa và phòng chống dịch bệnh này.
Hiện nay, TP. Đà Nẵng đang tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi và thực hiện các biện pháp chủ động ngăn chặn dịch bệnh bởi nguy cơ lây nhiễm hằng ngày từ 18-25 xe vận chuyển (từ 3.200-4.500 con lợn) ở các tỉnh phía Bắc vào phía Nam đi ngang qua thành phố Đà Nẵng mang nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.
Cơ quan chức năng TP đã hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên theo dõi đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, lợn ốm và chết không rõ nguyên nhân thì báo cho cơ quan thú y nơi gần nhất lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh để xử lý kịp thời; Tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng các khu vực chăn nuôi, giết mổ, các chợ, điểm kinh doanh lợn và sản phẩm của lợn.
Đồng thời, bổ sung cán bộ thú y tại các Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên và Hòa Phước, bảo đảm trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn lưu thông qua trạm và nhập vào thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, thực hiện tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển lợn, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc…
Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp phát 1.152 lít dung dịch benkocid cho các địa phương, cơ sở tiêu độc khử trùng. Huyện Hòa Vang được cấp đợt 2 trong năm 2019 với số lượng 5.000 lít dung dịch benkocid để huyện chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn trên địa bàn; tổ chức triển khai cho các cơ sở giết mổ lợn thường xuyên dọn vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng nền tường khu giết mổ, các khu vực xung quanh cơ sở giết mổ, cống rãnh, khu nuôi nhốt động vật, khu thu gom xử lý chất thải…
Ngày 19/2, Bộ NN&PTNT công bố dịch tả lợn châu Phi đã chính thức xuất hiện ở Việt Nam với 2 tỉnh đầu tiên phát hiện là Thái Bình và Hưng Yên.
Đến nay tại Việt Nam đã có thêm 7 tỉnh thành phát hiện có nạn dịch tả lợn châu Phi là: Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên và Hòa Bình.
Virus dịch tả lợn châu Phi (African swine fever virus-ASFV) là chủng virus tác nhân gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phi hay dịch tả heo châu Phi (ASF). Năm 1921, bệnh dịch tả heo châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, châu Phi và sau đó lây lan nhanh chóng, trở thành dịch bệnh địa phương tại nhiều nước châu Phi. Năm 1957, lần đầu tiên bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu. Đến nay, dịch bệnh này đã xuất hiện ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Armenia báo cáo bệnh xuất hiện vào năm 2007 và Azerbaijan vào năm 2008; loại bệnh nguy hiểm này cũng đã được báo cáo ở các nước châu Mỹ. Năm 2007, bệnh dịch tả heo châu Phi được báo cáo xảy ra ở dãy núi Caucasus giữa châu Âu và châu Á tại quốc gia Georgia. Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh địa phương ở nhiều nước trên thế giới. Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 1/8/2018, bệnh dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever, viết tắt là ASF) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Tính đến ngày 25/8/2018, tổng cộng đã có 4 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con. Mặt khác, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia (gồm Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, CH Séc, Hungary, Latvia, Moldova, Phần Lan, Rumani, Nam Phi, Ukraine và Zambia) báo cáo có dịch tả lợn châu Phi. |
Hồng Sơn