Đà Nẵng: Khuyến khích phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện

BVR&MT – Ngày 18/3, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra buổi hội nghị công bố đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển ô tô điện , trạm sạc ô tô điện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
.
Đến dự buổi lễ có ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Tổng công ty điện lực miền Trung, đại diện Công ty VinFast, Mitsubishi…

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị.

Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được ban hành ngày 14/1 với mục tiêu nghiên cứu về công nghệ sạc ô tô điện, xây dựng tiêu chí kỹ thuật trạm sạc; Quy hoạch mạng lưới trạm sạc ô tô điện; Xác định quy mô và lộ trình phát triển mạng lưới trạm sạc ô tô điện đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 và xây dựng cơ chế, đề xuất giải pháp để khuyến khích phát triển trạm sạc ô tô điện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đại diện công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ Vinfast trình bày kế hoạch phát triển trạm sạc xe ô tô điện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, tốc độ tăng giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 9,8%/năm, GRDP bình quân đầu người tăng 6,6 lần so với năm 2003. Cùng với đó là nhu cầu sử dụng năng lượng của thành phố cũng ngày một tăng cao, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng năng lượng khoảng 5,9%, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2015 -2019 là 7,68%/năm.

Trong những năm gần đây, tình trạng khai thác các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than đá, xăng, dầu…) và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là xu hướng toàn cầu và Việt Nam cũng rất quan tâm và khuyến khích đầu tư phát triển. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện nói chung và ô tô điện nói riêng đang là tương lai của ngành công nghiệp chế tạo xe cơ giới cũng như sự phát triển của các phương tiện đi lại trên toàn thế giới vì những ưu điểm vượt trội của loại xe được mệnh danh là “xe xanh” này mang lại so với các loại xe khác. Đáng kể đến như tiết kiệm nguyên liệu – tài nguyên, bảo vệ môi trường ( không ô nhiễm không khí cũng như tiếng ồn), đặc biệt là rất an toàn cho người sử dụng với rất ít những vụ tai nạn giao thông do xe điện gây ra cũng như không cháy nổ như nhiều phương tiện dùng xăng/dầu diesel như hiện nay.

Mẫu xe điện được giới thiệu tại hội nghị

Cùng với việc công nghệ pin lưu trữ ngày càng phát triển và giá thành pin ngày càng thấp, xe điện dần trở thành phương tiện giao thông chủ đạo trong tương lai không xa. Cũng giống như ô tô chạy bằng động cơ đốt trong cần nhiều trạm xăng thì xe ô tô điện ( EV) cũng cần nhiều trạm sạc điện công cộng. Việc triển khai trạm sạc cho xe ô tô điện hiện đang gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào chiến lược phát triển của các doanh nghiệp, tuy nhiên cũng là cơ hội nếu như được tạo điều kiện thuận lợi. Để tối ưu hóa việc triển khai nhiều trạm sạc cho xe ô tô điện thì công nghệ trạm sạc phải vừa phù hợp với nhu cầu, vừa tiện lợi, kinh tế, an toàn, bảo mật trong thanh toán và những tiện ích đi kèm. Một trong những vấn đề cần quan tâm đó là việc triển khai cơ sở hạ tầng trạm sạc cho xe ô tô điện không những đáp ứng cho các trường hợp di chuyển quãng đường ngắn trong nội thành mà còn phải hỗ trợ việc sạc nhanh hơn so với các bộ sạc tại nhà để giảm thiểu thời gian sạc cho các trường hợp sử dụng pin có dung lượng cao hiện nay trên các xe ô tô điện.

Mẫu trạm sạc cho xe ô tô điện được giới thiệu tại hội nghị

Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được phê duyệt là cơ sở để khẳng định vai trò tiên phong của thành phố Đà Nẵng trong việc xác định các mục tiêu, định hướng phát triển xe điện, trạm sạc ô tô điện trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn của lãnh đạo thành phố hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng hình ảnh thành phố năng động, hiện đại, xanh, sạch, đẹp – thân thiện với môi trường.

Chiếc xe ô tô điện đầu tiên được chế tạo vào năm 1834 và đến đầu những năm 1890, xe ô tô điện đã được bán như một trong những đối thủ cạnh tranh chính của động cơ đốt trong (ICE). Tuy nhiên, các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong khi sản xuất số lượng lớn thì có chi phí sản xuất thấp hơn và giá nhiên liệu xăng dầu lúc này khá thấp, trong khi xe ô tô điện bị hạn chế bởi phạm vi di chuyển cũng như phụ thuộc vào tuổi thọ pin.

Trạm sạc nhanh cho xe điện Mitsubishi tại Đà Nẵng.

Trong những năm gần đây, với sự gia tăng không ngừng của giá xăng dầu cũng như mong muốn giảm ô nhiễm môi trường, xe ô tô điện đang dần trở thành lựa chọn của nhân loại nói chung, thay thế cho các loại ô tô động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Yên tĩnh, không khí thải, mạnh mẽ và đặc biệt là không phụ thuộc vào xăng/dầu khiến cho ô tô điện đang là xu hướng thay đổi của chính ngành công nghiệp ô tô hiện tại.

Hồng Sơn