BVR&MT – Chiều ngày 6/4, tại thành phố Đà Nẵng, đã diễn ra cuộc hội thảo đối tác địa phương: Giảm thiểu ô nhiễm nhựa, đây là một cuộc hội thảo trực tuyến với các đại biểu tham gia tại hội trường ở Đà Nẵng và các đại biểu khác được kết nối trực tuyến.
Tham dự buổi hội thảo có T.S Nguyễn Mỹ Hằng, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bà Grete LoChen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và CHND Lào, ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhiều đại biểu đến từ các cơ quan tài nguyên môi trường.
Tại hội thảo, Bà Grete LoChen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam đã chia sẻ về dự án ASEANO do Na Uy tài trợ tại Việt Nam. Đây là một dự án tập trung vào vấn đề ô nhiễm nhựa và xả rác trên biển – một thách thức quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Bà Grete LoChen cho biết: Tính bền vững của đại dương là một trong những ưu tiên hàng đầu của Na Uy. Hành động quốc tế là chìa khóa để giải quyết các nguồn nhựa biển quan trọng nhất. Rác biển là một trong những mối quan tâm về môi trường đang phát triển nhanh nhất. Ước tính có khoảng 15 tấn rác vào đại dương của chúng ta mỗi phút. Người ta ước tính rằng hơn 80% nhựa đại dương đến từ các nguồn trên đất liền với các nước Đông Nam Á, như Việt Nam.
Đại dương được coi là ưu tiên hàng đầu trong chương trình hợp tác quốc tế của Chính phủ Na Uy. Chúng tôi đang tích cực nêu vấn đề này tại LHQ và các công ước và nền tảng toàn cầu khác. Hơn nữa, Na Uy đã khởi động một chương trình viện trợ phát triển trị giá 1,6 tỷ NOK, khoảng 180 triệu USD, nhằm chống lại rác thải ở biển trên toàn cầu, bao gồm hỗ trợ của chúng tôi đối với các quốc gia thành viên ASEAN như dự án ASEANO.
70% dân số Việt Nam sống gần bờ biển dài 3400 km và các vùng đồng bằng trũng thấp. Rác thải nhựa không được quản lý có khả năng cao bị thải ra sông và biển dưới dạng rác biển, và cuối cùng là vi nhựa. Ngày nay, hơn 80% rác thải sinh hoạt của Việt Nam được chôn lấp, đổ hoặc đốt trong các đám cháy. Như tất cả các bạn đều hiểu quản lý chất thải bền vững là chìa khóa để chống xả rác trên biển.
Chính phủ Việt Nam đã có cam kết chính trị mạnh mẽ để giải quyết vấn đề quản lý chất thải và nhựa biển. Tôi biết chính quyền địa phương Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cam kết phát triển bền vững và thân thiện với môi trường và muốn trở thành một thành phố xanh vào năm 2025. Đó là lý do tại sao tôi đặc biệt vui mừng khi thấy sự ra mắt của dự án ASEANO tại Việt Nam diễn ra trong Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trưởng nhóm Công tác ASEAN về đới bờ cho biết, với mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của kinh tế biển trên 65% GDP, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển xanh, trong đó, nhấn mạnh đến việc quản lý giảm thiểu rác thải nhựa. Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 có mục tiêu đến năm 2025 giảm thiểu rác thải nhựa 50% và 75% đến năm 2030.
Tại buổi hội thảo đã diễn ra 2 phiên thảo luận về: ”Chính sách và chương trình Giảm thiểu ô nhiễm nhựa hiện nay tại Đà Nẵng và các tác động của chúng” và “Ô nhiễm nhựa và các Quan điểm của các bên liên quan tại Tp. Đà Nẵng“ với rất nhiều bài tham luận, đánh giá tổng quan về chính sách quản lý rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam cũng như đưa ra những góc nhìn sát thực nhất, toàn diện và đầy đủ nhất về tình trạng rác thải nhựa, những cách thức đang được áp dụng để làm giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường sống một cách hiệu quả nhất đang được thực hiện tại Đà Nẵng và ở những nơi khác trên thế giới.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày đã diễn ra buổi làm việc giữa Sở Tài Nguyên & Môi trường Tp Đà Nẵng và Bà Grete LoChen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam. Tại buổi làm việc, Sở Tài nguyên & Môi trường Tp Đà Nẵng đã có đề xuất nhờ phía Na Uy hỗ trợ triển khai xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường trong thời gian đến như: Hỗ trợ, phát triển những giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường như xây dựng, phát triển hệ thống giao thông thông minh; Xây dựng các công viên trong đô thị, bảo tồn các khu vực bảo tồn thiên nhiên, khu vực đất ngập nước,…; Cải thiện cảnh quan môi trường các hồ sinh thái, hồ thủy lợi, kênh mương,…
Ngoài ra phối hợp, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế “xanh” tạo nên đặc trưng của thành phố môi trường như mô hình quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000, sản xuất sạch hơn; kiểm toán chất thải, đánh giá vòng đời sản phẩm và các mô hình quản lý tiên tiến khác.
Tăng cường năng lực, công cụ quản lý, kiểm soát môi trường: Đào tạo, chuyển giao công nghệ theo các chuyên ngành: Quan trắc môi trường, Dự báo tác động môi trường, công nghệ xử lý môi trường nước, nước thải, chất thải rắn,…
Về công tác quản lý chất thải, bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực địa phương nhằm giảm ô nhiễm nhựa trong Khu vực ASEAN”; đề nghị giới thiệu doanh nghiệp Nauy đến tìm hiểu cơ hội đầu tư về tái chế và xử lý rác thải tại Đà Nẵng, đặc biệt đối với các loại như rác thải nhựa, rác thải thực phẩm; Hợp tác, hỗ trợ thành phố trong công tác tuyên truyền, truyền thông về phân loại rác thải và thực hành phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố; xây dựng chuỗi quản lý rác tái chế bền vững hơn cho thành phố với sự tham gia của doanh nghiệp, cơ sở tư nhân liên quan đến hoạt động thu gom, phân loại, tái chế…
Bài, ảnh: Hồng Sơn