Đa dạng sinh học phải là trọng tâm của các chiến lược phục hồi COVID-19

BVR&MT – Đa dạng sinh học cần phải trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến lược phục hồi COVID-19 nếu thế giới muốn xây dựng một tương lai bền vững và linh hoạt hơn. Đây là lời kêu gọi của TRAFFIC trong bối cảnh cuộc họp Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (HLPF) bắt đầu diễn ra vào thứ 3 tuần trước.

HLPF là nền tảng chính của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, nó đóng vai trò trung tâm trong việc theo dõi, xem xét Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) ở cấp độ toàn cầu.

Rừng Amazon của Peru. Nguồn ảnh: Rhett A. Butler

Chủ đề cuộc họp năm nay là “Phục hồi bền vững và có khả năng phục hồi sau đại dịch COVID-19, thúc đẩy các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của phát triển bền vững: xây dựng một hướng đi toàn diện và hiệu quả để đạt được Chương trình nghị sự 2030 trong bối cảnh thập kỷ hành động và phát triển bền vững”. Trong đó, các lĩnh vực thảo luận ưu tiên bao gồm các vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng có trách nhiệm và sức khỏe tốt. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng xem xét tính tích hợp, không thể phân chia và liên kết với nhau của các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Giám đốc chính sách TRAFFIC Sabri Zain cho biết đại dịch COVID-19 đã nêu bật mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe và đời sống của con người, động vật và môi trường. Đại dịch một lần nữa chứng minh rằng giờ là lúc cần thực sự coi trọng và đầu tư vào thiên nhiên bằng cách phát triển các gói kích thích kinh tế – xã hội tổng hợp. Đại dịch không chỉ là cuộc khủng hoảng sức khỏe thảm khốc mà nó còn gây ra những tác động kinh tế – xã hội lâu dài cho những người sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên như gỗ, cá và các loài động, thực vật hoang dã khác.

TRAFFIC cũng kêu gọi HPLF xem xét các cơ chế tăng cường hợp tác đa ngành và đa lĩnh vực theo hướng tích hợp các phương pháp tiếp cận y tế, an ninh lương thực và đa dạng sinh học để giảm nguy cơ đại dịch trong tương lai. “Những nỗ lực của chỉ một lĩnh vực không thể ngăn chặn hoặc loại bỏ các đại dịch trong tương lai. Để ngăn chặn những đợt bùng phát này một cách hiệu quả, cần phải có một cách tiếp cận phối hợp tốt trong việc giải quyết vấn đề sức khỏe con người, động vật và môi trường”, Zain nói.

Zain lưu ý các cuộc đàm phán đa phương quan trọng trong những tháng tới là cơ hội duy nhất để lồng ghép những ý tưởng này vào tầm nhìn chiến lược về đa dạng sinh học, khí hậu và sức khỏe hành tinh. Chẳng hạn như dự thảo về khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 hiện đang được các Bên của Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) đàm phán đã lần đầu tiên đặt ra mục tiêu đề cập trực tiếp đến vấn đề buôn bán các loài động, thực vật hoang dã cũng như các mục tiêu thừa nhận lợi ích đối với việc bảo tồn và từ việc sử dụng bền vững các loài hoang dã. Zain tin rằng khuôn khổ sau năm 2020 có thể đóng vai trò mạnh mẽ trong việc đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người trong tương lai, đồng thời tăng cường bảo tồn động vật hoang dã, tôn trọng sinh kế, an ninh lương thực và các nền văn hóa đa dạng.

Dự kiến sẽ có một cuộc họp cấp Bộ trưởng Diễn đàn HLPF kéo dài 3 ngày (13 – 15/7) và sẽ đưa ra Tuyên bố cấp Bộ trưởng. “Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 rất quan trọng cho sự thành công của Chương trình nghị sự 2030. Chúng tôi hy vọng các Bộ trưởng sẽ cam kết thực hiện khuôn khổ và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cùng các nguồn lực để các quốc gia thực hiện hiệu quả khuôn khổ này”, Zain đề xuất.

Thảo Vy