BVR&MT – Những cơ hội và mối đe dọa lớn nhất đối với các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học trong năm tới là gì? Gần 20 nhà khoa học, chuyên gia bảo tồn và nhà phân tích tương lai gần đây do nhà sinh học bảo tồn William Sutherland thuộc Đại học Cambridge lĩnh xướng đã cùng nhau trả lời câu hỏi đó như là một phần của việc rà soát, đánh giá hàng năm.
Nhóm đã thu hẹp danh sách gồm 89 vấn đề thành 15 xu hướng mới nổi có tiềm năng mạnh mẽ để mang lại lợi ích hoặc gây hại cho sinh vật nhưng chưa được hầu hết các nhà bảo tồn chú ý. Dưới đây là những lựa chọn hàng đầu của họ, được công bố trên tạp chí Trends in Ecology & Evolution.
Xenlulô, tốt hơn và tệ hơn
Xenlulô – một trong những thành phần chính của gỗ – đang được chứng minh là rất hữu ích khi được chia thành các mảnh có kích thước nano. Khi các nhà phát minh tìm ra cách sử dụng mới cho vật liệu đa năng này, nhu cầu tăng tới 18% mỗi năm. Việc sử dụng nano xơ làm bao bì và xây dựng có thể giúp loại bỏ CO2 (tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu) khỏi khí quyển và giảm nhu cầu về nhựa gây hại cho môi trường. Nhưng việc này cũng có thể tăng áp lực biến các khu rừng giàu đa dạng sinh học thành rừng trồng, mặt khác cũng phá vỡ sinh cảnh.
Rừng làm nhiên liệu
Liên minh châu Âu đã chấp nhận một loại gỗ được phân loại theo chỉ thị (tiêu chuẩn riêng của EU) là nguồn năng lượng tái tạo và có kế hoạch tăng đáng kể tỷ lệ hỗn hợp năng lượng tái tạo vào năm 2030. Trớ trêu thay, những động thái khuyến khích này bị cả hai quan điểm biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học coi là bất lợi: Việc nhập khẩu gỗ từ các quốc gia như Mỹ và Canada vào EU đã tăng lên trong những năm gần đây và có những lo ngại về phá vỡ sinh cảnh rừng ở châu Âu. Một vụ kiện chống lại việc phân loại đang diễn ra nhưng vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn nếu các quốc gia bên ngoài EU noi theo vụ kiện.
Nụ hoa tốt hơn cho ong?
Ong và các loài thụ phấn khác đã gặp rắc rối lớn trong thời gian gần đây từ việc thay đổi mục đích sử dụng đất và các hiểm họa như thuốc trừ sâu, bệnh dịch khiến quần thể suy giảm. Nghiên cứu gần đây ở Mỹ chỉ ra rằng phấn hoa hướng dương và các loài liên đới, mặc dù không có giá trị dinh dưỡng như phấn hoa từ các cây khác, dường như làm giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng đường ruột và làm giảm mức độ thành công sinh sản ở ong nghệ. Nếu nghiên cứu này dẫn đến việc trồng hoa hướng dương ồ ạt thì nó sẽ ảnh hưởng xấu đến những loài ong hoang dã khác vốn phụ thuộc vào các loại cây giàu dinh dưỡng hơn hoặc khiến tương tác ký sinh trùng nở rộ.
Rắc rối mang tên bọ ve
Bọ ve châu Á du nhập vào Mỹ năm 2017 mang theo một vị khách không được hoan nghênh nhất: một loại vi khuẩn giết chết gia súc. Bọ ve cùng với người bạn đồng hành chết chóc chịu được đủ loại điều kiện và có khả năng lây lan dọc theo bờ biển Bắc Mỹ cũng như xâm lấn vào Trung và Nam Mỹ. Bộ đôi này có khả năng xúc tác cho những thay đổi trong sử dụng đất khi người chăn nuôi gia súc điều chỉnh hoạt động. Bọ ve gây hại cho động vật có vú và chim nên người ta lo ngại nó cũng có thể gây hại cho động vật hoang dã khi lây lan.
Tảo bẹ biến mất
Những khu rừng “tảo bẹ” lớn mọc dọc theo bờ biển trên khắp thế giới bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn và là chỗ trú ẩn các loài cá quan trọng về mặt thương mại và những loài sinh vật đại dương khác. Mặc dù nổi tiếng về chịu được môi trường khắc nghiệt, nhiều khu rừng tảo bẹ đã suy giảm trong những năm gần đây, có thể là do nhiệt độ đại dương tăng, ô nhiễm, thu hoạch và các loài phi bản địa. Sự suy giảm thêm nữa có thể sẽ phá vỡ các hệ sinh thái đại dương dẫn đến thiệt hại về kinh tế đối với các dịch vụ trị giá hàng tỷ đô la mà chúng cung cấp cho con người.
Băng ở Nam Cực – nhân tố bất trị
Ai cũng biết khí quyển nóng lên đang ăn mòn băng xung quanh cả hai cực của hành tinh. Điều mà ít được biết đến hơn và chỉ từng bước được các nhà khoa học hiểu là cách lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực ảnh hưởng đến điều này như thế nào. Lỗ thủng tầng ozone đã nhỏ lại do lượng phát thải ô nhiễm giảm. Sự biến đổi này có thể góp phần làm thay đổi gió và các kiểu thời tiết khác ở Nam Cực, tiếp đó sẽ khiến nhiều băng ở đây tan chảy, trầm trọng hóa thêm hiện tượng nước biển dâng trên toàn cầu và đe dọa hơn nữa sinh cảnh cùng các cộng đồng ven biển.
Thủy điện nhỏ và sinh thái sông
Các đập thủy điện nhỏ cung cấp năng lượng cho các cộng đồng địa phương ngày càng trở nên phổ biến tại châu Á và nhiều nơi khác. Mặc dù có thể thủy điện nhỏ tác động đến sử dụng đất ít hơn đập lớn nhưng vẫn làm gián đoạn dòng chảy và dòng trầm tích sông, do đó có thể thay đổi sinh cảnh theo cách ảnh hưởng đến động vật và thực vật sống trên sông suối. Với hơn 80.000 con đập đang hiện hữu và sẽ còn được xây dựng nhiều hơn nữa, cần phải hiểu rõ hơn về các tác động sinh thái tiềm tàng và những gì chúng ta có thể làm để giảm thiểu tác hại đối với cá và các sinh vật sống khác.
Nuôi trồng thủy sản tuần hoàn
Nuôi cá đại dương có thể sản xuất một lượng lớn thực phẩm nhưng cần nhiều nước và gây ô nhiễm môi trường bằng các chất dinh dưỡng và hóa chất. Một cách tiếp cận đang được nghiên cứu để giảm các tác động bất lợi là sử dụng hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, giúp giảm 97% nhu cầu nước. Hạn chế của phương pháp này là chi phí cũng như những lo ngại về các nhược điểm như nguồn cung cấp thức ăn và sử dụng năng lượng. Nếu các hạn chế này được giải quyết, các trang trại tuần hoàn có thể tăng nguồn cung cá đại dương một cách bền vững hơn so với các phương pháp thông thường.
Nấm diệt muỗi
Khi các loại thuốc trừ sâu thông thường như pyrethroid không còn hiệu quả trong việc tiêu diệt muỗi mang mầm bệnh sốt rét do kháng thuốc, các nhà khoa học đang tìm kiếm các giải pháp thay thế sáng tạo. Một giải pháp đang được phát triển gần đây là biến đổi gen một loại nấm truyền nhiễm cho muỗi để tạo ra một chất độc trong nọc độc của nhện. Kiểm soát sinh học kiểu này có lợi cho đa dạng sinh học bằng cách hợp lực để giảm sử dụng thuốc trừ sâu thông thường. Tuy nhiên, giải pháp cũng có thể gây ra vấn đề do ảnh hưởng đến cả các sinh vật hữu cơ khác chứ không chỉ muỗi mang mầm bệnh sốt rét.
Túi đựng trẻ sơ sinh
Trong số những tiến bộ hỗ trợ sinh sản mới nhất là sự phát triển của “túi sinh học” nhân tạo thay cho bụng mẹ chứa được bào thai đang phát triển đến hết thai kỳ. Mặc dù vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, một thiết bị như vậy có khả năng được sử dụng để tăng khả năng sinh sản của các loài động vật có vú nguy cấp trong trường hợp cá thể cái mang thai thế hệ tiếp theo là trở ngại cho phục hồi loài. Tuy nhiên, những yếu tố cần được nghiên cứu là các tác động có thể có về hành vi và hệ thống miễn dịch cũng những hậu quả không lường trước khác của việc bỏ qua nơi ở tự nhiên của thai nhi: bụng mẹ.
Châu Á chữa bệnh, đa dạng sinh học gánh hậu quả
Y học cổ truyền châu Á trở nên nổi tiếng khi đầu năm 2019 được đưa vào Phân loại bệnh quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới và là thị trường tăng trưởng được chính phủ Trung Quốc thúc đẩy cùng doanh số bùng nổ ở các quốc gia liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường. Cho dù có tốt cho sức khỏe con người hay không, những tác động từ y học cổ truyển Trung Quốc đến các loài nguy cấp là đáng lo ngại bởi một số phương thuốc cần tới các loài bị đe dọa. Không chỉ vậy, sự phát triển Vành đai và Con đường có thể nâng cao khả năng tiếp cận các loài như vậy, tăng thêm cơ hội thu hoạch các loài động thực vật được ưa chuộng.
Blockchain bí ẩn
Công nghệ blockchain đang tạo ra ngày càng nhiều các ứng dụng bao gồm quản lý năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Do không có tiêu chuẩn chung, blockchain mở ra cơ hội cho các ứng dụng gây tranh cãi như một khu rừng được trao quyền để bán gỗ của chính mình. Việc blockchain thiếu thỏa thuận và quy định sẽ tạo ra tác động lên đa dạng sinh học nằm ngoài các cấu trúc chính trị và quy định hiện hành. Tuy nhiên, công nghệ này cũng có thể được sử dụng để cải thiện quản trị tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ quyền đất đai bản địa và nhiều thứ nữa.
CSI: môi trường
Làm hại môi trường là một tội? Theo Quy chế Rome, trong một số tình huống cụ thể, tòa án hình sự quốc tế có thể buộc các cá nhân và chính phủ chịu trách nhiệm phá hủy tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, đang có những nỗ lực mở rộng định nghĩa về tội phạm có thể truy tố nằm ngoài giới hạn của quy chế để bao hàm cả tội hủy diệt sinh thái – gây hại cho môi trường ảnh hưởng đến khả năng của những người sống trong và cùng tồn tại hòa bình với môi trường đó. Nhiều sáng kiến đang hướng tới mục tiêu này,với tiềm năng thực hiện các hoạt động chung như đưa các hành động sản xuất khí nhà kính và phá hủy sinh cảnh ra truy tố theo luật pháp quốc tế.
Xoa dịu tác động chiến tranh
Gần đây, Ủy ban Pháp luật quốc tế Liên hợp quốc đã thông qua bộ nguyên tắc dự thảo nhằm bảo vệ môi trường trong các vụ xung đột. Các nguyên tắc này không chỉ yêu cầu các bên tham chiến ngăn chặn thiệt hại môi trường mà còn kêu gọi đưa khôi phục môi trường vào các cuộc đàm phán hòa bình và khắc phục thiệt hại sau khi xung đột kết thúc. Với sự phổ biến và tiềm năng thiệt hại từ các cuộc chiến hiện đại, những nguyên tắc này có thể mang lại lợi ích bảo tồn to lớn trên toàn thế giới.
Các mối đe dọa từ internet
Từ phổ biến nghiên cứu mới đến theo dõi sự di chuyển của các loài xâm lấn và chia sẻ các mối đe dọa với người dân, có thể nhận thấy phần lớn ngành đa dạng sinh học đang phụ thuộc vào việc truy cập internet. Nhưng năm 2018, Hoa Kỳ đã bãi bỏ các quy tắc trung lập internet tức yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet cung cấp quyền truy cập bình đẳng vào tất cả các trang web. Nếu thay đổi này lan sang các phán quyết pháp lý khác và mang lại quyền truy cập ưu tiên cho một số khách hàng thì sẽ xoay chuyển đáng kể (tốt hơn hoặc tệ hơn) khả năng của cộng đồng bảo tồn để vận động và bảo vệ các loài trên toàn thế giới.
Nhật Anh (Theo Guardian)