BVR&MT – Trang blog National Public Radio thường đăng những câu chuyện về các nỗ lực cải thiện cuộc sống cho 7 tỷ cư dân trên hành tinh này: làm thế nào để bảo đảm tất cả mọi người được tiếp cận với nước sạch và điện năng, được chăm sóc y tế để luôn khỏe mạnh, có nguồn thu nhập đủ để nuôi sống con cái, trẻ em được đi học để hoàn thiện những tiềm năng của mình.
Nhưng một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Sustainability (Sự bền vững của tự nhiên) lại đặt ra một câu hỏi ít được xem xét: Nếu chúng ta thành công trong việc mang lại tất cả những điều đó, cái giá phải trả về mặt môi trường sẽ là gì?
Nói cách khác, hành tinh của chúng ta có thực sự đủ sức duy trì cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người hay không?
Trong quá trình nâng cao điều kiện sống cho con người – chẳng hạn, xây dựng các cơ sở hạ tầng vệ sinh và mở rộng canh tác để cung cấp thêm thực phẩm – chúng ta không thể tránh khỏi việc hủy hoại môi trường. Chúng ta đốn hạ cây cối, rắc phân bón lên đất làm chết những sinh vật sống dưới nước, bơm khí cacbon dioxit vào bầu khí quyển.
Vậy nên, để tìm hiểu xem chúng ta có thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản của tất cả mọi người mà không hủy hoại hành tinh hay không, chúng ta cần biết: Với mỗi bước tiến của nhân loại, môi trường đã phải gánh chịu bao nhiêu thiệt hại?
Xác định công thức
Daniel O’Neill – một nhà kinh tế học thuộc Đại học Leeds của Anh – và một số cộng tác viên đã đưa ra 11 dấu hiệu cho thấy một quốc gia đã đáp ứng được các nhu cầu của công dân nước họ. Những dấu hiệu này bao gồm từ nâng cao tuổi thọ lên trên mức 65 tuổi đến bảo đảm ít nhất 95% dân số trưởng thành đã tốt nghiệp trung học, được tiếp xúc với các điều kiện vệ sinh và kiếm được nhiều hơn mức thu nhập 1,90 USD mỗi ngày của tầng lớp cực nghèo.
Sau đó, họ xem xét 7 cách phá hoại môi trường chủ yếu của con người. Với mỗi cách này, các nhà khoa học tính toán để tìm ra mức độ hủy hoại sẽ khiến Trái Đất gặp nguy hiểm. Lấy ví dụ về phát thải khí cacbon, ngưỡng nguy hiểm là tổng lượng khí cacbon mà nhân loại thải ra trước khi khiến hành tinh nóng lên đủ để kích hoạt những thay đổi thời tiết thảm khốc.
Từ đó, “chúng tôi có thể tính toán mức giới hạn thải khí cacbon cho tới hết thế kỷ,” O’Neill lưu ý. Và bằng cách chia con số đó cho tổng số người trên Trái Đất, “chúng tôi có thể kết luận rằng, ‘được rồi, đây là ngân sách cacbon của từng người.'”
Sau đó, họ phân tích dữ liệu của 150 quốc gia để xác định thứ hạng điểm số của các nước này về mặt môi trường và xã hội.
Hy vọng le lói
Hy vọng ở đây là tìm ra ít nhất một vài ví dụ về những quốc gia có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp cho công dân của họ, đồng thời vẫn không vượt mức giới hạn phá hoại môi trường tính trên đầu người – nói cách khác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên với tốc độ bền vững ngay cả khi tất cả dân số trên hành tinh chạm mốc đó.
Thật không may, “chúng tôi không tìm ra quốc gia nào như vậy”, O’Neill chia sẻ.
Thay vào đó, “nhìn chung những quốc gia làm tốt ở mặt xã hội đạt được những thành công đó bằng cách tiêu thụ các nguồn lực ở mức độ không thể áp dụng cho tất cả mọi người trên Trái Đất.” Các quốc gia này bao gồm Đức, Hà Lan và Áo. “Và những quốc gia có các chỉ số môi trường ở mức tốt – nói cách khác, họ tiêu thụ các nguồn lực ở mức độ bền vững – lại không có các chỉ số xã hội ở mức tốt.” Các ví dụ bao gồm Malawi, Yemen và Philippines.
Có 5 quốc gia gây ra sự phá hoại vượt quá cả 7 giới hạn môi trường ngay cả khi không đạt được cả 11 chỉ số xã hội. Mỹ cũng nằm trong số này do những vấn đề về bình đẳng thu nhập và việc làm.
Mặc dù Trung Quốc không nằm trong nhóm 5 nước này, nhưng nhiều khả năng quốc gia này còn đang trong tình trạng tồi tệ hơn. Trung Quốc đã vượt quá 5 trong số 7 giới hạn môi trường tính theo đầu người, nhưng mới chỉ đáp ứng được 3 chỉ số xã hội.
Chỉ có một quốc gia đạt được gần nhất đến mục tiêu mang lại cuộc sống tốt đẹp một cách bền vững: Việt Nam đã thành công với 6 chỉ số xã hội – bao gồm người dân có tuổi thọ trên 65 tuổi và được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng- đồng thời vẫn không vượt quá tất cả các ngưỡng giới hạn về môi trường, trừ lượng phát thải cacbon.
Vậy từ đây chúng ta nên làm thế nào? Tất cả những kết quả này có ý nghĩa gì với nhân loại?
“Đây là một kết quả đáng lo ngại,” O’Neill nhận định. Nhưng ông cũng cho rằng không nên kết luận một cách đơn giản là không có cách nào để mọi người có thể tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp mà không hủy hoại hành tinh. Sau tất cả, những phát hiện này đều dựa trên những gì chúng ta đang làm hiện nay.
“Chúng tôi đương nhiên hy vọng vào khả năng làm tốt hơn nữa – đưa sự thịnh vượng của con người lên cao với mức tiêu thụ tài nguyên thấp hơn.”
Ông cũng nói thêm rằng nghiên cứu này thực tế đã chỉ ra một cách để làm điều đó. Cụ thể, O’Neill và các nhà nghiên cứu đồng nghiệp đã chạy các thử nghiệm thống kê để xác định xem mỗi biện pháp môi trường cần bao nhiêu sự phá hoại để dẫn đến một sự cải thiện tương ứng ở mỗi chỉ số thịnh vượng xã hội.
“Và chúng tôi phát hiện ra rằng đó là một đường cong hiệu suất suy giảm – khi sử dụng càng nhiều nguồn lực, những lợi ích về mặt xã hội càng giảm đi,” O’Neill cho hay. “Vậy là có một điểm bước ngoặt mà sau đó việc sử dụng thêm nguồn lực đóng góp rất ít cho hiệu suất xã hội.” Theo O’Neill, các quốc gia công nghiệp giàu có như Mỹ, Anh và Canada đã đạt đến điểm đó. “Khi chúng ta tăng mức sử dụng nguồn lực lên, gần như sự thịnh vượng của con người không có sự gia tăng nào từ mốc đó.”
Và điều này có nghĩa là với những quốc gia này, chiến lược phát triển nền kinh tế – về cơ bản là nỗ lực tạo ra của cải mới – nhằm nâng cao sự thịnh vượng của những công dân nghèo là không hiệu quả. Theo O’Neill, một cách tiếp cận tốt hơn là tập trung vào việc tái phân phối của cải hiện tại một cách công bằng hơn.
Và nếu các nước có thu nhập cao áp dụng một cách tiếp cận như vậy, họ có thể giảm được mức sử dụng các nguồn lực. Và O’Neill cho rằng, điều đó sẽ “giải phóng không gian sinh thái” cho những quốc gia nghèo mà ở đó việc sử dụng các nguồn lực vẫn không tạo ra tác động lớn lao nào trong việc nâng cao đời sống của người dân.