BVR&MT – Tuyên Quang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp nhưng chất lượng một số sản phẩm chưa cao do nguồn gen bị lai tạp, việc chọn lọc, tổ chức sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi chưa đúng kỹ thuật.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Ðại Thành chia sẻ câu chuyện về ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp tại địa phương. Thời gian qua hoạt động khoa học công nghệ tại Tuyên Quang đã được các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức thực hiện, ứng dụng vào thực tiễn tạo ra những chuyển biến từ khâu giống cây trồng, vật nuôi, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, như vùng sản xuất cam, chè, lạc, rừng,… Mô hình này mang lại hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, thu nhập của người dân được cải thiện.
Với mục tiêu rút ngắn chu kỳ rừng trồng phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, năm 2018, tỉnh đã nghiên cứu, tuyển chọn và nhân giống thành công hai dòng keo lai 102 và BV342 chu kỳ chỉ 5 năm, sinh khối lớn, cho sản lượng gỗ nhiều hơn cây keo đại trà tới 25%. Ðây là bước đột phá trong phát triển giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến gỗ; đồng thời ứng dụng biện pháp kỹ thuật, chuyển đổi rừng nguyên liệu thành rừng sản xuất gỗ lớn, phục vụ công nghiệp chế biến, góp phần đưa giá trị kinh tế rừng trồng tăng trên 30% so với cách làm truyền thống.
Vùng cam sành Hàm Yên trước đây gặp không ít khó khăn trong việc bảo đảm nguồn và chất lượng cây giống. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên triển khai thành công đề tài: Nghiên cứu chọn lọc một số giống cam mới, thu hoạch rải vụ có năng suất và chất lượng cao, trong đó xây dựng mô hình trồng thâm canh 5 giống cam mới (gồm: BH, CS1-nhóm chín sớm; CT36, CT9-nhóm chín trung bình; V2-nhóm chín muộn) và lấy giống cam sành Hàm Yên làm đối chứng ở các xã Tân Thành, Yên Phú, Bằng Cốc, Nhân Mục, thị trấn Tân Yên. Ðề tài đã lựa chọn được ba giống cam chín sớm, chín trung bình và chín muộn để bổ sung vào bộ giống cam mới, rải vụ của huyện Hàm Yên là: giống CS1-chín sớm; CT36-chín trung bình và V2-chín muộn; đồng thời xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thâm canh các giống cam mới. Hiện nay, tại huyện Hàm Yên, các giống này đang được nhân rộng, với diện tích cam CS1 là 20 ha, cam CT36 4 ha, và cam V2 301 ha.
Dự án trồng thử nghiệm giống chè đặc sản Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, huyện Na Hang cũng mang lại thành công lớn. Ở tuổi thứ 3, giống chè Phúc Vân Tiên đã cho năng suất trung bình đạt 3,3 tấn chè búp tươi/ha;
giống chè Kim Tuyên đạt 3,1 tấn chè búp tươi/ha. Cả hai giống đều thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và cho sản phẩm có chất lượng cao, là nguyên liệu chế biến các sản phẩm chè cao cấp như: Trà Mat-cha, trà Ô Long, trà xanh. Ðến nay, hai giống chè này đã nhân rộng được 45 ha trong tổng số 274 ha được quy hoạch vùng chè đặc sản trên địa bàn xã Hồng Thái.
Nhiều đề tài, dự án khoa học được ứng dụng đã tạo nên sự đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và nâng tầm giá trị các sản phẩm hàng hóa đặc sản trên địa bàn tỉnh. Ngành khoa học và công nghệ tỉnh đã phối hợp cùng ngành nông nghiệp phục tráng nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị như giống lạc L14, lợn đen địa phương, cá anh vũ, cá chiên trâu ngố Tuyên Quang… Một số đề tài ứng dụng cây trồng mới vào sản xuất, tiêu biểu là trồng thử nghiệm cây mắc-ca tại huyện Yên Sơn và huyện Lâm Bình; trồng cây măng tây nhập ngoại tại phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang)… mở hướng đi mới làm giàu cho người nông dân. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang thực hiện theo dõi, quản lý 51 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp Bộ, cấp Quốc gia do Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.
Ðồng chí Nguyễn Ðại Thành cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong hai năm 2020 và 2021 việc triển khai một số đề tài, dự án cấp tỉnh gặp khó khăn, việc đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và đề xuất nhân rộng các mô hình đề tài, dự án sau nghiệm thu còn khó khăn. Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, tiếp cận nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh, của Trung ương còn hạn chế. Năm 2021, chỉ hỗ trợ được hai doanh nghiệp theo Nghị quyết số 31/2013/NQ-HÐND, hai doanh nghiệp theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HÐND; có hai doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tham gia chủ trì thực hiện đề tài, dự án thuộc danh mục năm 2021. Việc ứng dụng công nghệ cao và cơ giới hóa trong một số khâu sản xuất công nghiệp chế biến, nông nghiệp còn chậm; việc nhân rộng kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa của tỉnh chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp chưa tích cực tham gia nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực khoa học và công nghệ. Ðây là những hạn chế cần sớm được khắc phục trong công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học ở Tuyên Quang ■