BVR&MT – Hàng năm, vào cuối tháng Giêng hay đầu tháng 2 Âm lịch, người Mông ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai tổ chức lễ cúng thần rừng để cầu an lành cho con người, súc vật và cỏ cây.
Đây là nghi lễ truyền thống gắn con người với thiên nhiên, mang giá trị nhân văn sâu sắc, đồng thời nâng cao ý thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.
Theo quan niện của người Mông nơi đây, thần rừng, thần cây, thần suối là những vị thần giúp người Mông xua đuổi thú dữ, cho gỗ làm nhà, cho nguồn nước uống. Đặc biệt, lễ cúng rừng được xem như một cuộc họp tổng kết của thôn về công tác bảo vệ rừng, có sự tham gia của tất cả các chủ hộ trong thôn, cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã. Việc thực hiện các qui ước, hương ước về bảo vệ rừng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, an ninh trật tự thôn bản,…đều được đem ra bàn bạc công khai.
Để tiến hành lễ cúng rừng, trước đó dân làng đã họp và tổ chức quyên góp tiền mua lợn, gà, rượu, hương thơm, vàng mã và bầu ra người chủ lễ, chủ rừng. Người chủ lễ còn gọi là thầy cúng phải là người có uy tín, hiểu biết về phong tục tập quán, giữ trong mình những văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc mình. Người chủ rừng phải là người nhiệt tình, được dân làng quý mến, tin tưởng và đại diện cho dân làng chuẩn bị lễ cúng, thực phẩm cho buổi lễ.
Khi chọn được ngày tốt để cúng thần rừng, ngay từ sáng sớm, bà con tập trung tại khu vực rừng cấm của thôn để chuẩn bị các lễ vật dâng lên thần rừng. Buổi lễ với những nghi thức độc đáo, trang nghiêm được diễn ra ở cửa rừng, bàn thờ cúng bằng tre được đặt dưới gốc cây cổ thụ. Thầy Mo Hoàng Dùng, thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu cho biết: Lễ vật dâng tế thần rừng gồm một con gà trống, 4 chén rượu, hương và giấy bản. Các lễ vật này được cúng dâng Thần rừng hai lần, cúng khi con vật còn sống và sau khi đã chế biến chín.
Mỗi lần cúng đều có bài cúng riêng và tương ứng với một thời gian nhất định trong buổi lễ. Trước khi con vật được đem đi chế biến chín để cúng lần thứ hai thì thầy cúng cắt tiết gà rồi lấy lông gà nhúng vào bát tiết dán lên gốc cây cổ thụ để báo với thần rừng là dân làng đã dâng lễ vật lên thần rừng. Có như vậy mới linh nghiệm và thần rừng mới chấp nhận.
Trong không khí linh thiêng của trời đất, người chủ lễ kính cẩn thay mặt bà con dân bản dâng lễ vật, quì lạy bốn phương trời, tám phương đất, khấn mời thần rừng về hưởng lễ và chứng kiến cho lòng thành kính của dân làng, phù hộ cho làng bản trừ hết những xấu xa, vận hạn, con người vật nuôi được khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Anh Giàng Chúng, Trưởng thôn Cúc Phương cho biết: Lễ cúng rừng là nghi lễ quan trọng nhất của người Mông, họ cầu mong thần rừng phù hộ sức khỏe, gia đình hạnh phúc, cầu mong thần rừng trong năm không nổi giận để những cánh rừng sinh sôi nảy nở, nuôi sống con người.
Bên cạnh đó, lễ cúng rừng còn là thông điệp để người dân luôn yêu quý rừng, không chặt phá rừng hoặc gây ra những vụ cháy rừng khi đốt lương, làm rẫy. Sau phần lễ, bà con dân bản ngồi tập trung ở khu đất trống để trưởng thôn, cán bộ xã triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, vận động nhân dân đoàn kết giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn khó khăn.
Lễ hội cúng rừng là một trong những nghi lễ truyền thống đẹp của người Mông, ngoài ý nghĩa tâm linh, nghi lễ cúng thần rừng còn có vai trò to lớn trong việc gắn kết cộng đồng dân tộc, gắn con người với thiên nhiên vì vậy đã trải qua nhiều thế hệ song lễ hội cúng thần rừng của người Mông vẫn còn nguyên giá trị và còn được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Sau các nghi lễ một bản hương ước về bảo vệ rừng sẽ được người dân trong thôn thống nhất và mọi người đều phải có trách nhiệm thực hiện.
Lễ cúng rừng còn hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mỗi khu rừng sau đó sẽ được người dân chăm sóc như báu vật của làng. Đây không chỉ là một nghi lễ độc đáo mà còn góp phần bảo vệ các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng làng bản, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.