BVR&MT – Ngày 20/9, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về thực trạng ô nhiễm môi trường và tình hình xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Tại Hội nghị, nhiều cử tri tỉnh Hưng Yên phản ánh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tình trạng lượng rác thải ùn ứ tại các khu tập kết và trong các khu dân cư rất lớn, công suất của các lò đốt rác chưa xử lý hết lượng rác thải. Nước thải của các khu công nghiệp, làng nghề chăn nuôi và các khu dân cư… chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống các sông trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của nhân dân…
Báo cáo về thực trạng môi trường trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam cho biết: Ngày 15/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 19 đã ban hành Nghị quyết về Chương trình Bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với quan điểm bảo vệ môi trường là nền tảng cho phát triển bền vững và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội; thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội; mục tiêu của Nghị quyết là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý triệt để ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường tỉnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và các nhánh sông chính, tỉnh Hưng Yên đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng nước, như: Tỉnh Hưng Yên đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp; trong đó, quy định các doanh nghiệp xả nước thải phải có lưu lượng trên 100m3/ngày đêm phải lắp đặt quan trắc tự động.
Đến nay, đã có 20 cơ sở lắp đặt vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục…
Tỉnh Hưng Yên đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, xác định nguyên nhân và có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền về môi trường cho cộng đồng, tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy; công khai danh sách các cơ sở ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kết quả xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tỉnh Hưng Yên kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện dự án nạo vét, cải tạo, nâng cấp toàn hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bảo đảm ngoài chức năng tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện chức năng tiêu thoát nước thải cho công nghiệp, dân sinh…
Nhìn chung, chất lượng nước ở hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã có cải thiện, một số thông số ô nhiễm đã giảm so các năm trước.
Để tiếp tục đẩy mạnh ngăn ngừa ô nhiễm, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt các chương trình, đề án về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là chỉ đạo đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát ngăn ngừa việc gây ô nhiễm môi trường. Kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngay từ bước đầu; thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.
Địa phương không tiếp nhận các dự án sản xuất công nghiệp riêng lẻ ở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn ô nhiễm; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; quản lý các nguồn xả thải trên địa bàn theo phân cấp; theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng và chất thải môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền được giao.