BVR&MT – Từ dãy Himalaya ở Nepal – nơi những con hổ tuần tra trên đỉnh núi tuyết đến những khu rừng tươi tốt ở phía đông CHDC Congo – nơi khỉ đột núi sinh sống, các vườn quốc gia đều vắng khách khi Covid-19 bùng phát và lan khắp thế giới. Hàng tỷ bảng Anh doanh thu từ du lịch sinh thái – khoản kinh phí rất quan trọng với sinh kế của nhiều cộng đồng sống dọc theo các khu vực đa dạng sinh học – bị mất mát do lệnh phong tỏa bất đắc dĩ.
Một số khu vực châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi thậm chí còn ghi nhận tình trạng săn trộm cũng như xung đột giữa con người và động vật hoang dã tăng đột biến trong bối cảnh đội ngũ kiểm lâm thất nghiệp hàng loạt kéo theo khả năng thực thi pháp luật giảm.
Tổ chức Conservation International cảnh báo: “Có một nhận thức sai lầm rằng trong đại dịch Covid-19, thiên nhiên đang “được nghỉ ngơi” khỏi con người. Thay vào đó, nhiều khu vực nông thôn ở vùng nhiệt đới đang phải đối mặt với áp lực gia tăng từ nạn chiếm đất, phá rừng, khai khoáng trái phép và săn trộm động vật hoang dã”.
Các tổ chức phi chính phủ và các nhà khoa học cho biết bức tranh toàn cảnh vẫn chưa rõ ràng do nhiều chương trình điều tra và giám sát quần thể không thể tiến hành trong điều kiện đại dịch.
Nida Al-Fulaij, Giám đốc tài trợ thuộc Peoples Trust for Endangered Species (PTES) cho biết: “Mọi người đều đã phải cố gắng vượt qua. Tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các dự án trên khắp thế giới và nhiều dự án đã bị buộc phải cắt giảm. Lĩnh vực bảo tồn luôn phải đối mặt với những thách thức và đã quen với việc khắc phục khó khăn trong hoàn cảnh thiếu thốn. Vì vậy, tôi muốn nói rằng mọi người đã xử lý tốt nhất có thể”.
Trong khi tâm điểm chú ý rơi vào châu Phi, nơi việc bảo tồn phụ thuộc rất nhiều vào du lịch, cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng tới toàn cầu.
Ở châu Á, các báo cáo lọc từ những dự án do PTES hỗ trợ cho thấy tại Khu bảo tồn voi Mayurjharna, Ấn Độ, một dự án hành lang cho voi bị hủy bỏ trong một đợt phong tỏa nghiêm ngặt cấp quốc gia vào mùa xuân. Những con voi đực vào làng, phá hoại nhà cửa và cây trồng, và 5 con bị giết trong các cuộc tấn công trả đũa. Khu vực này cũng ghi nhận trường hợp săn trộm ngà voi đầu tiên. Ở Indonesia, doanh số bán cu li trực tuyến tăng vọt khi mọi người muốn tìm niềm vui trong đại dịch. Trên khắp lục địa, nhiều trung tâm động vật hoang dã cũng buộc phải đóng cửa.
Ở châu Phi, trong khi PTES vui mừng thông báo các chương trình trồng cây ở Madagascar có thể hỗ trợ những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề do phong tỏa thì hầu hết các nỗ lực bảo tồn phải đối mặt với một “cơn bão hoàn hảo” trong đại dịch, theo nghiên cứu của Nature Ecology & Evolution về tác động của việc phong tỏa toàn cầu đối với lĩnh vực động vật hoang dã của lục địa (trị giá 29 tỷ đô la mỗi năm và sử dụng 3,6 triệu lao động).
Khoảng 90% đơn vị điều hành tour du lịch bị giảm hơn 75% số lượng đặt phòng cho các hoạt động như thăm safari và đi săn lấy chiến lợi phẩm. Tổ chức phúc lợi động vật quốc tế Born Free chỉ ra rằng Covid đã gây ra những tác động như làm giảm nguồn thu từ du lịch động vật hoang dã, ít kiểm lâm và khách du lịch hơn để ngăn chặn những kẻ săn trộm, và gia tăng áp lực lên tài nguyên thiên nhiên từ những người bị mất thu nhập.
Tại Nam Mỹ, nhiều tổ chức bảo tồn cũng đang nín thở chờ khách du lịch quay lại. Tại vùng đất ngập nước nhiệt đới lớn nhất thế giới Pantanal, Brazil, khu du lịch sinh thái báo đốm sụp đổ cùng thời điểm khu vực này trải qua một trong những vụ cháy lớn nhất trong lịch sử, tàn phá hơn 4 triệu ha.
Giám đốc chương trình báo đốm Esteban Payán thuộc tổ chức Panthera cho biết mọi người đang cố gắng giữ tinh thần lạc quan. Đám cháy ở Pantanal đốm đã giết chết, di dời hoặc thiêu rụi khoảng 600 cá thể báo. Du lịch sinh thái là mô hình bảo tồn duy nhất đã được chứng minh hiệu quả và ông hy vọng lượng đặt phòng suốt năm 2021 sẽ đưa mọi thứ trở lại đúng hướng.
“Tôi nghĩ mọi thứ sẽ trở lại như cũ, du lịch sẽ phục hồi. Có rất nhiều người lên kế hoạch cho năm 2020, không chỉ ở Nam Mỹ mà còn ở phần còn lại của thế giới. Trong thời gian phong tỏa, mọi người nói “À, tôi đang làm gì vậy? Tôi sẽ đi đâu vào kỳ nghỉ? Tôi thực sự muốn nhìn thấy một con sư tử, một con tê giác, một con báo đốm”. Chúng tôi đã được đặt trước hết phòng cho năm 2021. Và tôi hy vọng rằng đó sẽ là một làn sóng phục hồi lớn”.
Tại Vương quốc Anh, một báo cáo của liên minh Wildlife and Countryside Link gồm 57 tổ chức môi trường và động vật hoang dã cảnh báo vào tháng 3 rằng đợt bùng phát virus gây ra mối đe dọa tới bảo tồn và phúc lợi động vật, công tác khoa học và chính sách cũng như khả năng tồn tại cả ngắn hạn và dài hạn của một tỷ trọng đáng kể trong lĩnh vực môi trường.
Tháng 11/2020, Vườn thú Bristol, vườn thú tỉnh lâu đời nhất còn tồn tại trên thế giới thông báo rằng phải di dời một phần do cú sốc tài chính từ cuộc khủng hoảng virus corona, phải bán đi mảnh đất rộng 12 mẫu Anh trong thành phố. Justin Morris, giám đốc điều hành Bristol Zoological Society cho biết: “2020 là năm thách thức nhất mà chúng tôi phải đối mặt trong lịch sử 185 năm”.
Tuy nhiên cũng có vài ví dụ về đại dịch mang lại lợi ích cho động vật. Ở một số nơi, nạn buôn lậu động vật hoang dã bị kìm hãm do hạn chế đi lại trên toàn thế giới và thiên nhiên phát triển mạnh mẽ ở nhiều nơi khi đường phố vắng bóng xe cộ.
Giới bảo tồn cho biết họ nhìn vào năm nay để suy tính lại cách sẽ làm việc sau đại dịch.
Cố vấn về động vật hoang dã Andrew McVey thuộc WWF cho biết: “Đây là cơ hội để chúng ta làm những điều khác biệt”. McVey nói rằng dù ngành công nghiệp động vật hoang dã có giá trị rất lớn đối với nền kinh tế thì phần lớn lợi tức thuộc về các safari và đi săn có chiến lợi phẩm, và đã đến lúc xem xét các mô hình doanh thu khác.
“WWF đang nghiên cứu các hệ thống chăn nuôi và những cách khác để con người có thể coi trọng thiên nhiên. Đây không phải là những thứ gì mới mẻ mà là những thứ đã diễn ra lâu nay và đây là lúc mọi người cần tập trung tâm trí nhất”.
Thế Anh (Theo Guardian)