BVR&MT – Theo lịch trình, Hội nghị về Biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24) của Liên hợp quốc sẽ bắt đầu vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 02/12/2018, tuy nhiên, trong khi báo giới và các quan sát viên đã tụ họp đông đủ thì Ban thư ký COP 24 đính chính 11 giờ 30 phút, đại diện các quốc gia mới sẵn sàng cho cuộc họp. Sự chờ đợi tiếp tục kéo dài và phải tới 12 giờ 33 phút, Chủ tịch thứ 23 của Hội nghị, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama, mới chính thức gõ búa bắt đầu, chính thức tuyên bố khai mạc và giao lại chức chủ xị cho Bộ trưởng Bộ Môi Trường Ba Lan Michal Kurtyka.
Nói về sự trễ nải tại COP, ông Yuri Onodera, cố vấn từ Nhật Bản của Tổ chức vì môi trường quốc tế Friends of the Earth không lấy làm ngạc nhiên: “chuyện thường tình mà”. Đây là hội nghị COP thứ 5 mà ông tham gia đàm phán. “Lúc nào cũng trễ nải hết. Các cuộc thảo luận đa quốc gia là thế”.
Lý do của sự chậm trễ lần này là do các quốc gia vẫn không thống nhất được lịch trình trong hai tuần hội nghị dù trước đó đã bàn bạc rất nhiều. Mỹ cho rằng không có đủ thời gian để nói về chủ đề tổn thất và thiệt hại do BĐKH gây ra nên muốn gạch bỏ khỏi chương trình, tuy nhiên, đề xuất này khiến các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vô cùng bức xúc, trong đó, Ai Cập – đại diện Liên minh châu Phi – thẳng thắn đưa ra quan điểm phản đối Mỹ. Bên cạnh đó, bản thân các quốc gia trong Liên minh châu Phi, Liên minh Ả Rập và các quốc gia Thái Bình Dương cũng đòi hỏi Ban Tổ chức hội nghị dành nhiều thời gian hơn trong lịch trình để bàn về các vấn đề liên quan đến mình.
Ngay khi nhận trọng trách từ người tiền nhiệm, ông Michal Kurtyka nhắc khéo các đại diện: “Trong vòng hai tuần tới, chúng ta cần làm việc một cách sáng tạo và năng động hơn để có thể tối ưu hóa lượng thời gian có hạn mà chúng ta có và đưa ra các kết quả cụ thể”.
Cũng theo ông Michal Kurtyka, mục tiêu chính của COP24 là hoàn tất khung hiện thực hóa Thỏa thuận Paris với các hướng dẫn và mục tiêu cụ thể cho từng khối quốc gia. Theo đó, những chủ đề được bàn tại hội nghị bao gồm công nghệ xanh, ngành năng lượng than đá, và việc hỗ trợ về mặt tài chính cho các quốc gia đang phát triển.
Trải nghiệm sự chậm trễ ngay từ những phút bắt đầu, ông Honoré thuộc phái đoàn Madagascar bày tỏ sự lo ngại về khả năng COP24 đạt được những mục tiêu như kỳ vọng: “Tại Thỏa thuận Paris ba năm trước, 18 quốc gia phát triển đồng ý gây dựng 100 tỉ đô mỗi năm kể từ 2020 để tài trợ các biện pháp ứng phó BĐKH trên toàn thế giới, tuy nhiên, ba năm sau, Mỹ đã rút khỏi Thỏa thuận và số tiền gây dựng được chỉ vào khoảng 60 tỉ đô”.
COP24 sẽ kết thúc trong vòng hai tuần. Liệu các quốc gia có thể vượt qua các bất đồng quan điểm và lợi ích cá nhân để đưa ra giải pháp cụ thể? Liệu các quốc gia phát triển và đang phát triển có thể cam kết hỗ trợ lẫn nhau? Đây là những câu hỏi mà chúng ta cần tiếp tục chờ đợi trong thời gian tới.
Mai Mai (Từ Ba Lan)