BVR&TM – Cuộc điều tra kéo dài 3 năm kết thúc bằng cuộc đột kích hôm 14/5 đã giúp các nhà chức trách Cộng hòa Dân chủ Congo bắt giữ 3 nghi phạm, tổng số ngà voi thu giữ được lên tới 2 tấn tại thành phố Lubumbashi – điểm nóng buôn bán ngà voi ở Congo.
Theo Adams Cassinga, người đứng đầu Conserv Congo – một tổ chức phi chính phủ chống buôn bán động vật hoang dã – số ngà voi bị thu giữ ước tính trị giá khoảng 6 triệu USD, tương đương với khoảng 150 con voi đã bị giết.
Ba người bị bắt giữ là thành viên của một trong những đường dây buôn bán động vật hoang dã lớn nhất trong khu vực. Mạng lưới này liên quan đến hoạt động buôn lậu 20 tấn ngà voi trong 5 năm qua.
Cassinga cho biết số ngà này có nguồn gốc từ các quốc gia Nam Phi, nơi nạn buôn bán ngà voi gia tăng đột biến vào những năm 2000 do sự kích thích từ nhu cầu của các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, đã có tới 30.000 con voi bị giết mỗi năm, trung bình 80 con một ngày.
Theo một báo cáo của Tổ chức WWF, quần thể voi châu Phi đã bị thu hẹp 80% trong vòng 100 năm qua. Voi Xavan châu Phi (Loxodonta africana) hiện được liệt kê vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng, voi rừng châu Phi (Loxodonta cyclotis) cũng thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên, theo Sách đỏ của IUCN.
Theo báo cáo năm 2021 của Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (GI-TOC), nạn săn trộm động vật hoang dã đã giảm trong một vài năm gần đây. Các điều tra và bắt giữ của các cơ quan chức năng đã làm suy yếu mạng lưới tội phạm động vật hoang dã.
Báo cáo của GI-TOC cho biết: “Tình trạng săn bắt trái phép giảm đáng kể là kết quả của quá trình bắt giữ và truy tố một số lượng lớn các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan đến săn trộm và buôn bán ngà voi ở Đông và Nam Phi từ năm 2014 đến năm 2020”.
Cuộc đột kích tại Lubumbashi được thực hiện với sự phối hợp của lực lượng cảnh sát quốc gia, tòa án và tổ chức phi chính phủ Congo. Số ngà voi bị cơ quan chức năng thu giữ tại căn nhà ở Lubumbashi được những kẻ buôn lậu tuồn vào Congo từ nước láng giềng Zambia.
Lubumbashi là một điểm nóng về buôn bán các bộ phận của động vật hoang dã bị săn trộm trước khi đưa ra khỏi châu Phi. Các mặt hàng được buôn bán tại đây có nguồn gốc chủ yếu từ Nam Phi, Zimbabwe và Zambia.
Thực thi luật pháp yếu kém, xung đột vũ trang và tham nhũng tạo điều kiện cho các băng nhóm tội phạm động vật hoang dã quốc tế hoạt động mà không bị trừng phạt ở Tây và Trung Phi. Cộng hoà Congo có chung đường biên giới với 9 quốc gia, là điểm trung chuyển quan trọng cho đường dây vận chuyển các bộ phận của động vật hoang dã.
Theo dữ liệu của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), từ năm 2000 đến năm 2014, khoảng thời gian bùng nổ nạn săn trộm voi, Cộng hoà Congo chỉ thu giữ được khoảng 8 tấn ngà voi trong các vụ bắt giữ. Sau đó, từ năm 2015 đến năm 2019, các nhà chức trách nước này đã tịch thu được khoảng 20 tấn.
Olivier Mushiete, người đứng đầu Viện Bảo tồn Thiên nhiên Congo (ICCN) cho biết: “Chúng tôi đang có những nỗ lực mạnh mẽ để triệt hạ tất cả các đường dây buôn bán bất hợp pháp.”
Cuộc đột kích tại Lubumbashi diễn ra sau một loạt những hoạt động tương tự ở Thủ đô Kinshasa của Congo hồi năm ngoái. Đây cũng là kết quả sau ba năm điều tra.
Theo Bloomberg, săn trộm ngà voi là một trong những giao dịch bất hợp pháp sinh lời cao nhất, có trị giá khoảng 23 tỷ USD mỗi năm.
Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES) đã cấm buôn bán ngà voi vào năm 1989. Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn tiếp tục cho phép buôn bán trong nước và thương mại quốc tế, tùy theo các mức độ quy định khác nhau.
Trong thập kỷ qua vừa qua, các nỗ lực giảm cầu ngà voi đã đạt được những thành tựu nhất định. Chẳng hạn như Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với hoạt động buôn bán ngà voi vào năm 2016, Trung Quốc cấm buôn bán nội địa vào năm 2017, EU cũng thắt chặt các quy định về buôn bán ngà voi vào năm 2021.
Ba nghi phạm buôn lậu ngà voi bị bắt trong cuộc đột kích tại Lubumbashi sẽ ra hầu tòa trong tuần này.
Mặc dù số lượng các vụ bắt giữ gia tăng, nhưng tác động đến việc ngăn chặn nạn săn trộm vẫn còn hạn chế do các quốc gia không truy tố đối với các bị cáo là công dân nước ngoài. Việc phối hợp thực hiện các cuộc điều tra xuyên biên giới và thu thập bằng chứng cần thiết còn gặp nhiều khó khăn. Tội phạm động vật hoang dã thường không được các cơ quan hành pháp và tư pháp ưu tiên. Điển hình như vụ việc bắt giữ hai công dân Việt Nam và tịch thu 3,3 tấn ngà voi tại Thủ đô Kampala của Uganda cuối cùng đã không đưa ra được bản án, cả hai nghi phạm đều bỏ trốn và hiện vẫn đang tại ngoại.