BVR&MT – Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Công ty Xi măng Hoàng Thạch) đã nghiên cứu để sử dụng bùn thải và rác thải làm nguyên liệu trong sản xuất xi măng.
Cách làm này đã và đang mở ra hướng đi mới góp phần tiết kiệm nguyên liệu và bảo vệ môi trường.
Ý tưởng mới
Công ty Xi măng Hoàng Thạch (thị xã Kinh Môn) hiện có 3 dây chuyền sản xuất với công nghệ, thiết bị tiên tiến. Năm nay doanh nghiệp phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 4,75 triệu tấn xi măng, tăng 20% so với năm trước. Để đạt mục tiêu này, doanh nghiệp phải sử dụng một khối lượng lớn các loại nguyên liệu tự nhiên như đá vôi, đất sét, quặng sắt, than…
Ông Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cho biết: “Công ty luôn hướng tới những hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường. Việc sử dụng bùn và rác thải làm nguyên liệu sản xuất giúp cho hoạt động kinh doanh của công ty thuận lợi hơn.
Phát huy danh hiệu top 10 Môi trường xanh quốc gia và top 20 Nhà máy xanh thân thiện đã đạt được, công ty luôn phấn đấu xây dựng mô hình doanh nghiệp sản xuất xanh của ngành xi măng Việt Nam”.
Để sản xuất theo xu hướng xanh, đầu tháng 11.2019, Công ty Xi măng Hoàng Thạch đề nghị UBND tỉnh cho phép được nghiên cứu, thử nghiệm sử dụng bùn từ ao hồ, tro xỉ cùng một số chất thải rắn khác làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế một phần nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất xi măng.
Kết quả bước đầu cho thấy, các mẫu bùn lấy từ Hồ Tây, sông Tô Lịch (Hà Nội), các nhà máy xử lý nước thải ở Bắc Giang, Bắc Ninh và hệ thống xử lý nước thải ở Hải Dương, sau khi tách nước, phối trộn thêm nguyên liệu đều cho thành phần tương đồng với sét tự nhiên, một thành phần trong sản xuất xi măng.
Đây cũng là nội dung đề án “Sản xuất xanh” của Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận…
Qua nghiên cứu, thử nghiệm, Công ty Xi măng Hoàng Thạch còn sử dụng rác thải từ sản xuất quần áo, da giày để thay thế một phần nhiệt trị, giảm sử dụng nhiên liệu than.
Chất thải được xử lý trong lò nung xi măng ở nhiệt độ 1.400 – 2.000 độ C với thời gian lưu cháy khoảng 10giây. Năng lượng tạo ra từ việc sử dụng nguyên liệu và nhiên liệu thay thế được sử dụng ngay cho việc chuyển hóa các thành phần khoáng trong nguyên liệu thành clinker.
Khắc phục khó khăn
Đầu năm 2020, Công ty Xi măng Hoàng Thạch đã ký hợp đồng với Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê (Bắc Ninh) mua 3.000 tấn bùn để phối trộn thay thế một phần nguyên liệu sét.
Đến nay, công ty vận chuyển được 1.000 tấn về để trộn và đã sản xuất 18.500 tấn clinker. Dù vậy, chi phí vận chuyển 1 tấn bùn thải từ Bắc Ninh về Hải Dương là 131.400 đồng (UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ hỗ trợ 60.000 đồng/tấn), trong khi giá đất sét nguyên liệu chỉ 31.102 đồng/tấn, cộng thêm chi phí máy búa đập nhỏ. Theo tính toán chi phí sản xuất 1 tấn clinker có sử dụng bùn thải cao hơn 4.800 đồng so với sản xuất nguyên liệu bằng sét.
Để khắc phục, bùn vận chuyển về phải để trong kho giảm độ ẩm. Dây chuyền vào lò trước đây đạt 280 tấn/giờ thì khi sử dụng bùn làm nguyên liệu giảm xuống còn 40 tấn/giờ và phải tăng cường biện pháp xử lý kịp thời sự cố phát sinh…
Sử dụng bùn và rác thải trong sản xuất xi măng đang có tác động xã hội khá tích cực. Năm 2021, Công ty Xi măng Hoàng Thạch sẽ dùng rác thải phù hợp để tạo ra khoảng 25% nhiệt trị thay thế than. Dự án xây dựng trạm phát điện tận dụng nhiệt dư nhằm phục vụ nhu cầu điện năng của nhà máy sản xuất xi măng cũng đang được hoàn thiện để sớm đưa vào sử dụng.