BVR&MT – Chiều 19/12, các vấn đề tình hình giao đất, giao rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; Công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng được đưa ra để chất vấn giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn được các đại biểu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 – HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII.
Tại kỳ họp, một số nguyên nhân được đưa ra: Việc giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay chưa tiến hành đồng thời với việc giao rừng, cho thuê rừng (đánh giá tài sản trên đất). Công tác phối kết hợp giữa các lực lượng liên huyện để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, đặc biệt là các lực lượng 2 vùng giáp ranh giữa các huyện. Tình trạng chuyển nhượng, sử dụng trái phép đất lâm nghiệp có rừng vẫn xảy ra tại một số địa phương như Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông; Một số cán bộ được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn, chính quyền cấp xã chưa bám sát địa bàn cơ sở, thiếu sâu sát, tinh thần trách nhiệm chưa cao, ít đi tuần tra rừng, nắm bắt thông tin trong nhân dân.
Trong thời gian gần đây vẫn để xảy ra một số vụ việc khai thác gỗ trái phép tại các khu rừng tự nhiên giàu tài nguyên, khu vực biên giới Việt Nam – Lào như ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và tình trạng chặt phá rừng tự nhiên đối với diện tích đã giao, diện tích do UBND xã quản lý là rừng nghèo, rừng phục hồi để lấy đất trồng rừng nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở một số nơi như Quỳ Hợp, Thanh Chương, Tân Kỳ…
Đại biểu Hoàng Lân (huyện Diễn Châu) bày tỏ băn khoăn: Việc chặt phá rừng thuộc vùng biên giới thuộc nhóm đối tượng, cán bộ đơn vị nào? Với người dân khi khoanh nuôi bảo vệ rừng theo quy định khai thác các sản phẩm phụ, tối đa hưởng 12 triệu đồng/năm. Mong muốn sở là cơ quan tham mưu có giải pháp gì có thu nhập từ nguồn sản phẩm phụ để nâng cao đời sống người dân sắp tới. Về nội dung này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu trả lời: Trong 14 vụ được đưa ra về chặt phá rừng, vụ lớn nhất ở Tương Dương 189 cây và 289m3, đối tượng là một số người dân của huyện Kỳ Sơn; Ở Kỳ Sơn cũng là người dân tham gia chặt phá rừng. Một số cán bộ địa phương cấp xã đánh dấu “chủ quyền” cây rừng. Một số vụ án thuốc biên giới, thuộc bộ đội biên phòng quản lý, ban quản lý phòng hộ tương dương, kỳ sơn, một số kiểm lâm có trách nhiệm liên đới đang được xem xét: Chủ rừng, địa phương, kiểm lâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đô Lương) nêu ý kiến: Luật quy định không được chuyển nhượng đất lâm nghiệp. Tuy nhiên trong báo cáo lại nêu và không chỉ tập trung ở 1 số huyện mà xảy ra phổ biến. Đề nghị lãnh đạo ngành cho biết thực trang và giải pháp trong thời gian tới.
“Một số người dân xây dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp là sai. Trách nhiệm thuộc về công ty lâm nghiệp, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ để giải xử lý, giải quyết vấn đề”, Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, giám đốc sở NN&PTNT trả lời những băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Lan.
Tổng hợp phần chất vấn liên quan đến tình hình thực hiện công tác giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân; Công tác quản lý rừng trong thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tính khách quan trong báo cáo mà Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Nghĩa Hiếu nêu, trách nhiệm và cầu thị trong tiếp thu ý kiến đại biểu. Đồng chí nhấn mạnh, nhiệm vụ giao đất giao rừng, bảo vệ rừng tại Nghệ An rất khó khăn do diện tích đất lớn, địa hình phức tạp. Trong quản lý bảo vệ, phát triển rừng còn nhiều vấn đề, trong đó có 2 vấn đề nổi lên là: Giao đất giao rừng tỉ lệ còn thấp; Để xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép ở một số rừng tự nhiên, vùng cao biên giới.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cũng đề xuất các nhiệm vụ chính cần thực hiện trong thời gian tới: Tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân; Triển khai các chỉ thị của Trung ương, BTV Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về giao đất, bảo vệ rừng; chăm lo xây dựng lực lượng kiểm lâm, liên quan nhiệm vụ quản lý, bảo vệ phát triển rừng để nâng cao tinh thần trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Trong đó cần kết nối các lực lượng, xây dựng quy chế phối hợp tốt giữa các lực lượng bảo vệ, quản lý rừng; Đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Sở Tài nguyên môi trường phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn các địa phương thực hiện giao đất, giao rừng, tháo gỡ khó khăn, bất cập đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, tiếp cận các nguồn tín dụng phát triển rừng, bảo vệ rừng phải gắn với đảm bảo đời sống bà con.
“Bên cạnh đó, địa phương soát xét các khó khăn của chủ rừng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm rừng, nhất là cán bộ, viên chức, công chức tiếp tay, bao che phá rừng; đề nghị các ngành liên quan, địa phương làm tốt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phòng chống cháy rừng. UBND các cấp, ngành lưu ý bố trí kinh phí thực hiện giao đất, giao rừng, đồng thời các gia đinh tự nguyện nộp ngân sách; ngành tham mưu các cấp rà soát đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quản lý, bảo vệ phát triển rừng để thực hiện tốt hơn, tạo bước chuyển mới trong giao đất, giao rừng, bảo vệ phát triển rừng trong thời gian sắp tới”, ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cho biết thêm.
Đình Nguyên