Công tác điều tra tài nguyên, môi trường biển đạt nhiều kết quả tích cực

BVR&MT – Sau hơn 10 năm thực hiện “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020”, công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển đã đạt nhiều kết quả tích cực, bước đầu đã triển khai ở các vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề.

Toàn cảnh hội nghị.

Ngày 26/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị tổng kết bước đầu “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020” (Đề án 47).

Hội nghị tổng kết nhằm đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển để rút ra các bài học kinh nghiệm và cùng nhau xác định các nhiệm vụ, mục tiêu trong giai đoạn mới, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Là một đề án lớn, mang tính tổng thể, toàn diện về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, Đề án 47 có sự tham gia triển khai của nhiều bộ, ngành. Sau hơn 10 năm thực hiện, công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển đã đạt nhiều kết quả tích cực, bước đầu đã triển khai ở các vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề.

Theo ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước cũng như trước những thách thức lớn trong lựa chọn chính sách và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, Chính phủ vẫn cân đối ngân sách bố trí nguồn vốn đầu tư tập trung cho Đề án 47. Đến nay, Đề án đã hoàn thành 22/45 dự án và nghiệm thu cấp nhà nước; 17/45 dự án đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện; 03/45 dự án đã phê duyệt nhưng chưa được bố trí kinh phí; 03/45 dự án dừng chưa triển khai, dự án đã và đang tổ chức thực hiện với nguồn kinh phí được phê duyệt khoảng 7.207 tỷ đồng, kinh phí đã được giao thực hiện khoảng 3.612 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cần bổ sung từ nguồn sự nghiệp kinh tế là 1.658 tỷ đồng; đầu tư phát triển là 1.675 tỷ đồng; địa phương là 261 tỷ đồng.

Đến hết năm 2018, Bộ TN&MT đã thành lập hải đồ tỷ lệ 1:200.000 với khoảng 53% diện tích các vùng biển Việt Nam; hoàn thành điều tra địa hình đáy biển khoảng 24,5% diện tích vùng biển Việt Nam ở các tỷ lệ từ 1:500.000 đến 1:50.000; cơ bản làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên biển.

Cùng với đó, nhiều kết quả của các dự án đã được chuyển giao vào thực tiễn và đang góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng biển và ven biển…

Cũng theo ông Tạ Đình Thi, trong thời gian tới Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ tập trung xây dựng và triển khai theo các mục tiêu như: Điều tra, đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên biển và hải đảo; Đánh giá được hiện trạng, rủi ro môi trường và hệ sinh thái biển và hải đảo…Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước và năng lực điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; cơ bản hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm nguồn lực phục vụ công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, một trong bảy giải pháp Nghị quyết số 36 – NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương đặt ra để đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là phải ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu.

Thời gian qua, các chỉ tiêu tổng hợp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế đạt mức nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước, kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP… Chỉ số phát triển con người các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình cả nước, thu nhập bình quân đầu người ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân cả nước…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ những kết quả đạt được qua hơn 10 năm thực hiện Đề án 4; phân tích, đánh giá, dự báo yêu cầu đặt ra đối với công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, đặc biệt là bám sát Nghị quyết số 36/NQ-TW, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để Ban chỉ đạo đưa ra các đề xuất, kiến nghị nội dung Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2019.

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trình bày các báo cáo về kết quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh; báo cáo công tác điều tra cơ bản đánh giá tiềm năng dầu khí và khí hydrate trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam…