BVR&MT – Khối lượng các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi rất lớn, trong khi việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, nhiều bất cập nên có nội dung hướng dẫn của Chương trình đến nay chưa hoàn thành.
Tỷ lệ nghèo ở vùng miền núi dân tộc thiểu số giảm 3,4%
Đề cập về kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Chương trình gồm 10 dự án được thực hiện trên địa bàn 51 tỉnh và 23 bộ, ngành chủ trì, tham gia chỉ đạo thực hiên.
Về ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến các CTMTQG, cơ bản đến nay đã hoàn thành với khối lượng khá lớn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các bộ, ngành đã ban hành trên 54 văn bản liên quan đến quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chương trình. Trên cơ sở đó bình quân mỗi tỉnh ban hành khoảng từ 40 – 50 văn bản quản lý, hướng dẫn theo thẩm quyền.
Về các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc vẫn khá tích cực, tỷ lệ nghèo giảm 3,4% (đạt và vượt 3% mục tiêu kế hoạch giao). Mặc dù lần đầu tiên làm chủ Chương trình mục tiêu quốc gia, song Ủy ban Dân tộc đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tham mưu, điều phối ban hành các văn bản, nắm bắt tình hình địa phương và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thẩm quyền và trách nhiệm được giao.
Tồn tại nhiều bất cập
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Đó là, do khối lượng các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN rất lớn, nên mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban dân tộc, các bộ ngành trung ương và địa phương đã rất tích cực, quyết liệt nhưng công tác ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, nhiều bất cập, có nội dung hướng dẫn của Chương trình đến nay chưa hoàn thành, có nội dung yêu cầu sửa đổi.
Kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, thì 16 tháng sau (14/10/2021) Chính phủ mới ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021). Tiếp theo đó, gần một năm sau nhiều bộ ngành mới ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến dự án, tiểu dự án của Chương trình. Cá biệt có những bộ ngành gần 18 tháng mới ban hành thông tư hướng dẫn.
Về giải ngân vốn, theo số liệu do Bộ Tài chính báo cáo, giải ngân vốn kế hoạch 2022 (gồm cả vốn 2022 kéo dài sang 2023) là 55,85%; vốn kế hoạch năm 2023 giải ngân đến tháng 6/2023 ước đạt 16,5%. Như vậy, sau khi Chương trình đã triển khai được nửa giai đoạn thì vốn giải ngân vẫn còn rất thấp. Trong điều kiện nhiều văn bản hưởng dẫn còn bất cập, có nội dung chưa được sửa đổi; các dự án, tiểu dự án liên quan đến giải ngân vốn sự nghiệp, hỗ trợ sản xuất rất khó thực hiện, thì khả năng giải ngân được 44,25% vốn kế hoạch năm 2022 và 83,5% vốn kế hoạch trong 4 tháng còn lại của 2023 (từ tháng 9 đến tháng 12) là một thách thức rất lớn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, việc giải ngân trong điều kiện thời gian ngắn như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của nhiều hoạt động, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất không phù hợp về mùa vụ để triển khai trong giai đoạn cuối năm, hay khó khăn do mùa mưa bão đối với triển khai các công trình cơ sở hạ tầng.
Mặc dù việc triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình liên quan đến vốn đầu tư không có nhiều vướng mắc, tuy nhiên triển khai nội dung liên quan đến vốn sự nghiệp nhất là hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ các dân tộc còn khó khăn, thậm chí không thực hiện được do thiếu hướng dẫn, quy trình, thủ tục thực hiện phức tạp.
Việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân và đóng góp của người dân nhiều địa phương gặp khó khăn, có nơi không thực hiện được; trong khi đó tiếp cận với vốn tín dụng gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã; hộ gia đình thuộc diện nghèo, không có đất ở, nhà ở, không đủ điều kiện, tiêu chí được vay nên khó khó tiếp cận được tín dụng.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, bất cập nêu trên là do CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được thiết kế rất phức tạp, gần như tập hợp lại tất cả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội đối với vùng đồng bào DTTS&MN trong một CTMTQG, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, rất phức tạp. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và thiết kế Chương trình chưa được nghiên cứu và khảo sát kĩ, phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, dẫn đến khi triên khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó còn do hệ thống khung pháp lý các văn bản chỉ đạo, điều hành hướng dẫn thực hiện lớn, ban hành chậm, chưa đồng bộ, có văn bản nội dung chưa rõ ràng, dẫn chiếu nhiều văn bản khác (có Điều khoản dẫn chiếu đến lần thứ 5) nên rất khó khăn trong quá trình tra cứu.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận thấy, trách nhiệm quản lý, điều phối của cơ quan chủ Chương trình là rất lớn trong khi tình hình biên chế, nhân sự của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc còn nhiều hạn chế. Ở nhiều địa phương tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nhưng không có Phòng Dân tộc huyện (hoặc đã giải thể trong thời gian gần đây); ở cấp xã cũng không có công chức, viên chức được phân công về công tác dân tộc (mà thường ghép với công chức văn hóa, xã hội). Cơ quan công tác dân tộc, ở một số địa phương vừa yếu, vừa thiếu. Do đó, việc triển khai Chương trình ở địa phương, nhất là ở cấp cơ sở thiếu thống nhất và gặp nhiều khó khăn.
Từ những tồn tại, hạn chế này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần quy định cụ thể lộ trình, thời gian tiếp tục hỗ trợ chế độ an sinh xã hội cho người dân các xã thuộc khu vực I đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã mới ra khỏi diện đầu tư CTMTQG DTTS&MN (do phân định lại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 861/QĐ-TTG ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ) ít nhất là 3 – 5 năm để giảm bớt khó khăn, đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn, hộ dân tộc thiểu số, hộ mới thoát nghèo.
Đồng thời xây dựng cơ sở pháp lý để tạo quỹ đất nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, thực hiện sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư trong CTMTQG DTTS&MN thông qua biện pháp thu hồi đất để tạo quỹ đất giải quyết các mục tiêu quan trọng này và đưa vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét…
Chương trình này được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và Thủ tướng phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 1719/QĐ-TTG ngày 14/10/2021. Với vốn dự kiến thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 là 137.664,059 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 54.323,848 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 10.016,727 tỷ đồng; vốn vay tín dụng chính sách 19.727,02 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác 2.967,207 tỷ đồng. |