BVR&MT – Ít ai biết rằng để cứu hộ, bảo tồn thành công hàng trăm loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm, đội ngũ cán bộ, nhân viên, công nhân Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội đã phải nỗ lực, dành nhiều tâm huyết đến nhường nào. Song, có lẽ công phu, tỉ mỉ hơn cả đó là quy trình cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn rùa đầu to – loài động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Chia sẻ niềm vui khi cứu hộ, bảo tồn thành công loài rùa đầu to, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết: “69 cá thể rùa đầu to đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm được chúng tôi tiếp nhận vào cuối tháng 6/2021 từ Công an TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Sau gần 2 tháng nỗ lực chăm sóc, rất phấn khởi vì đợt cứu hộ rùa đầu to lần này đạt tỷ lệ thành công tới 98%”.
Theo ông Lương Xuân Hồng, rùa đầu to là loài rất khó nuôi, chúng ưa sống ở các khe suối trong rừng, nơi nước trong và chảy chậm. Do là loại động vật biến nhiệt nên chúng không thể sống sót nếu nhiệt độ trên 38 độ C. Chẳng vậy mà 69 cá thể rùa đầu to tại Trung tâm luôn được an toàn trong phòng điều hòa với ngưỡng nhiệt độ 28 độ C và tuyệt đối không bật chế độ quạt gió nhằm tránh rùa bị nhiễm lạnh gây viêm phổi. Theo đó, mỗi cá thể rùa đều được đánh số và nuôi nhốt trong 1 thùng riêng để đảm bảo được theo dõi chặt chẽ, chăm sóc chu đáo và xử lý kịp thời các tình huống về sức khỏe.
Do đặc thù là loài động vật khó tính và nhạy cảm, đòi hỏi quy trình chăm sóc công phu, tỉ mỉ nên Trung tâm đã phân công 3 công nhân túc trực chăm sóc các cá thể rùa. Hằng ngày, bên cạnh việc cho rùa ăn 3 bữa với các loại thức ăn có tỷ lệ đạm cao như: Giun, tôm, cá…, rùa còn được bổ sung thêm cà rốt, rau xanh tùy vào sở thích và mức nạp năng lượng của mỗi cá thể, công nhân sẽ phân chia lượng thức ăn và cân đối dinh dưỡng phù hợp.
Bác sĩ Thú y của Trung tâm Trịnh Thị Thu Hằng cho hay, nhờ việc đánh số và lập hồ sơ cho từng cá thể rùa đầu to mà việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe hàng ngày rất thuận lợi. Đơn cử, việc lưu trữ thông tin cá thể nào ăn nhiều, ăn ít, có biểu hiện bất thường bỏ ăn, sút cân, nhiễm bệnh hay không đều được ghi chép đầy đủ, cẩn thận như nhật ký. “Rùa đầu to là loài vô cùng nhạy cảm, chúng đòi hỏi môi trường sống yên tĩnh nên bất kỳ tiếng ồn hay tiếng động lớn nào đều khiến chúng bị stress thậm chí là bỏ ăn cả tháng. Vì vậy cứ định kỳ từ 7 – 10 ngày, các cá thể rùa đầu to sẽ được cân 1 lần để giám sát trọng lượng và sức khỏe” – bác sĩ Trịnh Thị Thu Hằng chia sẻ.
Để đảm bảo phòng nuôi luôn sạch sẽ, an toàn và phòng bệnh tốt cho các cá thể rùa đầu to, cứ 3 ngày 1 lần những công nhân phụ trách sẽ vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ thùng nuôi nhốt. Công phu nhất là công đoạn dùng bàn chải lông tơ mềm và khăn bông lau rửa cẩn thận, tỉ mỉ từng kẽ mai, yếm và chân rùa; tiếp đến là cho rùa phơi nắng để bổ sung caxi và bước cuối cùng là thay nước mới cho rùa. Nếu công đoạn này làm không kỹ, rùa đầu to rất dễ bị các bệnh viêm da, nấm mai, tiêu chảy.
Nuôi dưỡng rùa vốn kỳ công, vất vả nhưng thả rùa về môi trường tự nhiên còn nhọc nhằn hơn gấp nhiều lần. Theo chia sẻ của ông Lương Xuân Hồng, công tác thả động vật phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt mới đạt hiệu quả cao. Theo đó, vị trí thả mỗi cá thể rùa đầu to cách nhau ít nhất 200m, dọc theo bờ suối. Bởi, loài này sống độc lập, có phân chia lãnh thổ riêng, nếu thả chung chúng sẽ cắn nhau đến chết. Sau khi thả xong, còn phải ghi chép đầy đủ mọi thông tin như: Rùa số bao nhiêu, đực hay cái, môi trường thả suối rộng thế nào, độ sâu nước bao nhiêu… để phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu về môi trường, hệ sinh thái sau này. Chính vì vậy, việc thả rùa đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và phải đi rất xa.
Trung tâm đang phối hợp với Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á (ATP) lên phương án thả rùa đầu to về tự nhiên với phương án thả khoa học, bài bản. Hiện, Trung tâm đã xác định, khảo sát được địa điểm thả; sắp tới sẽ tiến hành việc lấy mẫu (máu và da) của các cá thể rùa để xác định nguồn gen thuộc vùng nào? Có mắc bệnh truyền nhiễm hay không? Tất cả các bước đều thực hiện theo đúng quy trình và quy định để đảm bảo sau tái thả, rùa thích nghi tốt với môi trường tự nhiên. Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng |