BVR&MT – Công nghệ làm giảm đáng kể nạn săn trộm tê giác trong một khu bảo tồn ở Nam Phi có thể được sử dụng để cứu các loài bị đe dọa trên khắp thế giới thông qua việc ngăn chặn những kẻ săn trộm tiếp cận với động vật hoang dã.
Năm 2015, Dimension Data và Cisco lần đầu tiên giới thiệu công cụ Connected Conversation – sử dụng hỗn hợp cảm biến, camera quan sát, sinh trắc học và wi-fi để chủ động phát hiện sớm những kẻ săn trộm – tại một khu vực hẻo lánh ở phía tây bắc Nam Phi, nơi thông tin liên lạc điện tử còn rất hạn chế.
Mục đích của sáng kiến là theo dõi con người thay vì động vật, thu thập dữ liệu về những người lọt vào chu vi và gửi cảnh báo đến kiểm lâm khi phát hiện hoạt động bất thường.
Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), tê giác trắng hiện đang bị đe dọa, trong khi tê giác đen được phân loại là có nguy cơ tuyệt chủng khi chỉ còn lại hơn 5.000 con.
Nam Phi là nơi sinh sống của phần lớn tê giác trên thế giới, vốn đang bị đe dọa liên tục bởi những kẻ săn trộm lấy sừng bán cho thị trường chợ đen với giá cao hơn vàng. Sừng tê giác được một số người ở phương đông săn lùng vì tin vào khả năng chữa bệnh ung thư và say rượu, mặc dù thành phần chủ yếu của sừng tê là keratin – một loại protein cũng có trong tóc và móng tay.
Dự án bảo vệ đã được triển khai tới Zambia, cùng một dự án khác sẽ bắt đầu ở Kenya nhưng các nhà bảo tồn thuộc dự án hiện đang tìm kiếm một nơi khác với một số bên quan tâm từ Ấn Độ, New Zealand và nhiều khu vực khác.
Cho đến nay, dự án là một thành công lớn của khu vực khi không mất một con tê giác nào vì săn trộm kể từ tháng 1/2017. Trong hai năm đầu tiên, dự án đã giảm được 96% nạn săn trộm trong khu bảo tồn.
Nam Phi cho biết nạn săn trộm sụt giảm trên toàn quốc với 508 con tê giác bị giết trong tám tháng đầu năm 2018, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2017.
Cùng với việc mở rộng để bảo vệ các loài khác, Connected Conservation cũng đang tìm tòi các giải pháp mới như sử dụng học máy, trí tuệ nhân tạo và các cảm biến tinh vi hơn để cải thiện hiệu quả.
Nhật Anh (Theo techcentral.co.za)