BVR&MT – Núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh cao gần 1.000m, nơi đây có điện núi Bà linh thiêng và thành kính mà những ngày mồng một hay ngày rằm hàng tháng, hàng ngàn khách thập phương về lễ Bà để cầu cho mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt.
Trong dòng người về lễ viếng Bà, thấp thoáng đâu đó có những hình bóng của những phu khuân vác mưu sinh nơi cửa thiền. Tuy hiện nay đường lên chùa đã có cáp treo cho người hành hương lên vãng cảnh chùa, nhưng với những người khuân vác, họ mang vác những nhu yếu phẩm như gạo, dầu, đèn, hương vàng…phục vụ cho khách thập phương đi lễ chùa Bà. Và chính họ, tìm cho mình một sự khổ hạnh để an tâm, an tại cõi lòng.
“Cõng chợ” trên lưng
Ông Hà Văn Phết ngụ ở ấp Ninh Nghĩa, xã Ninh Thạnh, Thành Phố Tây Ninh làm nghề khuân vác ở điện chùa Bà, núi Bà Đen, Tây Ninh cũng đã ngót nghét gần 20 năm. Dáng người chắc đậm, tuy đã 60 tuổi nhưng ông vẫn còn tráng kiện lắm. Làm nghề khuân vác ăn no vác nặng, nhưng nhìn ông vác bao gạo 50 kg , bước trên những bậc đá gồ ghề lên đỉnh núi mà tôi cứ đồ rằng, nhẹ như trở bàn tay. Ông bảo, làm nghề khuân vác, là nghề “vác mặt lên núi”.
Rồi ông cắt nghĩa: “Chú thấy không, trên đầu tôi đội bao hàng, nặng, mà bước lên những bậc đá với độ dốc 1.000m, cổ, đầu chân, bụng, tim , phổi đều phải làm việc và cái đầu phải đưa ra mang vác nhiều nhất, mặt thì luôn phải nhìn lên núi, chân bước nên anh em trong đội khuân vác nói vui là “nghề vác mặt lên núi”. Còn bà con và khách thập phương đi lễ chùa Bà thì bảo chúng tôi làm nghề “những người cõng chợ trên lưng””.
Quả thực, khách thập phương khi đến lễ Bà, không ai không mua một nén hương, ít trái cây, ít gạo, muối để cúng Bà cầu cho mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt. Và những vật dụng từ nhỏ như bó nhang, đĩa trái cây và những thực phẩm để khách đi lễ viếng Bà ăn cho đỡ đói lòng đều được phục vụ cho bà con từ những đôi vai trần của những người trong đội khuân vác.
Làm nghề này gần 20 năm, nhưng như ông Phết nói, có Bà độ trì phù hộ mà ông cũng ít đau ốm, nên mỗi ngày ông, ông cũng làm nghề được 4 chuyến. Mỗi chuyến mang vác một bao gạo có trọng lượng 50kg từ chân núi lên đỉnh núi với độ dốc 1.000 m nơi có chùa Bà, ông được nhà chùa trả công 60.000 đồng/ chuyến. Khuân vác cho nhà chùa và khuân vác cho những quán, hàng nào có nhu cầu mang vác các nhu yếu phẩm như gạo, hương vàng, và những nhu yếu phẩm khác. Những giọt mồ hôi đổ xuống mặt, cằm trong cái nắng của cuối mùa mưa ở vùng đất Tây Ninh. Nhưng dường như với ông không phải là nỗi vất vả, mà tôi đồ rằng, làm công việc nhà chùa là gánh lấy một phần thiện căn và trách nhiệm nơi cửa Phật.
Đội khuân vác như ông Phết nói là những người khuân vác dưới chân núi Bà, Tây Ninh. Họ gồm có 20 người. Người thì làm nông, người thì thợ hồ, người thì thợ khuân vác, người thì giang hồ hoàn lương. Gia cảnh ai cũng có những khó khăn. Họ tập hợp nhau lại thành một đôi và chia nhau công việc để làm. Người thì khuân vác nước đá, người thì khuân vác trứng gia cầm, người thì gạo, muối, nhang, đèn… nói chung là ai gọi gì thì khuân vác nấy.
Nhà ông Phết có 3 cha con cũng làm nghề, anh Nguyễn Văn Hải con rể út làm nghề khuân vác hàng gạo cho Chùa Hang. Anh Hà Văn Nhu con trai ông Phết làm nghề khuân vác nước đá bỏ mối cho các tiệm quán gần lưng chừng núi còn gọi là chùa Trung. Mỗi ngày nếu sức thanh niên như con trai bác Phết cũng làm được 5 chuyến, tằn tiện cũng đủ sống.
Nghề trả nợ trần gian
Anh Nguyễn Văn Hải quê ở Phú Yên. Cuộc sống ở quê gia cảnh cũng khó khăn, năm 2005 anh khăn gói quả mướp vào Tây Ninh lập nghiệp. Như sự đưa đẩy của duyên số, anh lấy con gái út của Bác Phết và cái nghề khuân vác nơi cửa chùa cũng là nghề mưu sinh cho cuộc sống của gia đình anh.
Ngước đôi mắt yêu thương và trìu mến nơi người con rể, ông Phết chia sẻ: “Nó cũng là thằng làm việc và khuân vác khỏe ở chân núi Bà, nhưng năm ngoái nó nghỉ một năm không làm vì bị người ta tông xe. Nhà chùa biết chuyện đã hỗ trợ 30 triệu. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ thế này chú ạ, 30 triệu với nhiều người không phải là to, là nhiều nhưng với những người làm khuân vác như chúng tôi dưới chân núi bà, thì quả là lớn, là nhiều. Nhưng nhiều và lớn hơn, và một điều lớn hơn là tình người trong hoạn nạn có nhau”.
Hải có vợ và có con gái 5 tuổi, cuộc sống có những lúc chật vật, nhưng tôi biết, anh đã yêu cái công việc khuân vác và mảnh đất Tây Ninh đầy nắng và gió này.
Trong đội bốc vác của ông Phết, không ai là không biết Của “chín ngón”. Của là tên gọi cha mẹ đặt cho anh. Sinh ra chỉ có 9 ngón tay, nhưng của có biệt tài là nghề móc túi trên các chuyến xe đò, xe khách ở các bến xe liên tỉnh, từ TP. HCM đến Bình Dương, Sông Bé, Tây Ninh đều có mặt Của. Và tiền móc túi của người dân lương thiện, Của đều nướng vào cờ bạc.
Tình cờ một hôm Của ghé qua nhà, thấy vợ ôm đứa con thơ đang ốm ngồi khóc vì không có tiền. Dúi vội vào tay vợ, nắm tiền để đưa con đi chữa bệnh ở trạm xá xã, anh lặng lẽ vội ra đi. Những chuyến xuôi ngược làm nghề không lương thiện, tối về nhà trọ bến xe, anh nghĩ lại vợ và con. Vào một tối ngày giáp Tết năm 1994, Của uống hết 1 lít rượu và trở về cạo tóc hoàn lương.
Ngước đôi mắt lên bầu trời, nơi có những ngọn nắng đang nhảy múa trên những thân cây tùng thẳng tắp trên núi Chùa Bà, Của bảo tôi: “Ngày xưa, tối nằm cứ nghĩ thương vợ con, và những đồng tiền không trong sạch mà mình lấy được của những người dân lương thiện. Nếu mình cứ so sánh, vợ mình có một ít tiền đem con đi khám bệnh, mà bị kẻ nào đó nẫng mất thì chỉ có đứt từng khúc ruột, nghĩ thế mà tôi hoàn lương anh ạ!”.
Của hoàn lương và lấy nghề khuân vác nơi chùa Bà làm nghề mưu sinh để nuôi con. Năm nay đứa con thơ ngày nào đã vào đại học Bách khoa năm thứ hai. “Tôi mừng lắm anh!”, Của chia sẻ.
Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa, Viện Chủ các chùa núi Bà cho biết, nhà Chùa rất cảm ơn những người khuân vác vì có họ, những mặt hàng nhu yếu phẩm được khuân vác từ chân núi lên đỉnh núi, nơi có chùa Bà với độ dốc cao 1.000m. Không phải bằng xe đẩy mà chỉ bằng sức người, đôi chân trần và đôi vai đầm mồ hôi của họ đã phục vụ không biết bao nhiêu lượt khách thập phương. Đó là vì lòng hiếu độ của những người như bác Phết, anh Hải, anh Nhu đối với Bà và khách thập phương.
Theo như Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa thì những người khuân vác nơi cửa thiền, bắt đầu là công việc mưu sinh, sau đó cũng là vì một tình yêu cao cả, họ làm việc công quả, mà không đòi hỏi một sự đền đáp. Đó chính là phật pháp đang ở trong tâm thế của mỗi người nơi cửa phật bằng lòng bác ái và nhân từ.
Mạnh Hùng