BVR&MT – Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thành phố Tuyên Quang đã có bước phát triển toàn diện, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư đồng bộ.
Ngày 3/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Thành phố Tuyên Quang là đô thị loại 2, nằm ở trung tâm của tỉnh Tuyên Quang với diện tích đất tự nhiên trên 18.400ha, dân số hơn 191 nghìn người. Thành phố Tuyên Quang có 15 đơn vị hành chính, gồm 10 phường, 5 xã.
Trong những năm qua, kinh tế thành phố giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt trên 11%/năm; thu ngân sách năm 2020 đạt trên 605 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 75 triệu đồng/người/năm.
Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, thành phố Tuyên Quang đã có bước phát triển khá toàn diện, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa; 5/5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người của các xã nông thôn mới đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.
Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đạt trên 570 tỷ đồng. Hiện nay, thành phố không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn 0,66%.
Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa được nâng cao; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao.
Với những thành quả quan trọng trên, ngày 2/2/2021 thành phố Tuyên Quang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại 2 và ngày 5/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1666 công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn khẳng định, đây là niềm vinh dự, tự hào. Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài, là quá trình có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc.
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tuyên Quang cần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai, nhân lực, các nguồn lực khác để xây dựng cả nông thôn và đô thị của thành phố, từng bước phát triển “đô thị xanh-đô thị thông minh,” có bản sắc riêng, khẳng định mạnh mẽ vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh.
Thành phố đẩy mạnh đô thị hóa và phát triển đồng bộ đô thị hai bên bờ sông Lô, phát triển hạ tầng đô thị là động lực để thành phố Tuyên Quang thực sự là trung tâm, là hạt nhân để kết nối với các huyện trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, thành phố Tuyên Quang cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường tính năng động của chính quyền, chủ động thu hút đầu tư, hỗ trợ thành lập và phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp.
Thành phố phải là đơn vị đứng đầu trong xếp hạng năng lực cạnh tranh, góp phần xứng đáng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng đô thị Tuyên Quang phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại 1.
Thành phố Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 có 5/5 xã hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã Kim Phú, Tràng Đà hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025./.