BVR&MT – Đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên vẫn sống theo chế độ mẫu hệ, tức là con gái đến tuổi lập gia đình sẽ đi “bắt chồng”. Theo truyền thống của dân tộc Gia Rai, điều kiện để lập gia đình là con gái phải biết dệt và con trai phải biết đan lát. Nếu không biết đan lát, con trai sẽ bị “ế” và không được bắt về làm chồng.
Nghệ nhân đan lát A Bư ở làng Rắc, xã Ia Xiêr, huyện Sa Thầy (Kon Tum) cho biết: Con trai trong làng đến tuổi lập gia đình luôn cố gắng đan được chiếc gùi, cái nia để làm vật phẩm sang nhà vợ. Hiện nay, làng Rắc chỉ còn vài người gắn bó với nghề đan lát và còn lưu giữ được cách làm gùi hai lớp – nét riêng của đồng bào dân tộc Gia Rai ở tỉnh Kon Tum.
Khác với gùi một lớp của một số dân tộc ở Tây Nguyên, gùi hai lớp của người Gia Rai được thiết kế rất công phu từ việc lên rừng chặt cây về chẻ, vót, uốn cho đến sơn các thanh tre, nứa để trang trí hoa văn họa tiết trên gùi, công năng sử dụng đa dạng hơn.
Nghệ nhân A Bư cho biết: Làm gùi hai lớp mất nhiều thời gian và công sức, người đan gùi phải có sự đam mê. Hiện nay, do có nhiều vật dụng khác thay thế, ít người dùng đồ đan lát. Những chiếc gùi do A Bư làm chủ yếu phục vụ khách du lịch đặt làm quà lưu niệm.
Ở làng Rắc, A Niếp cũng đan gùi hai lớp rất giỏi. Nghệ nhân A Bư và A Niếp thường xuyên trao đổi và sáng tạo những họa tiết mới cho chiếc gùi hai lớp được đẹp hơn.
Theo nghệ nhân A Bư, trong nghề đan lát, đan lát gùi là khó nhất, vì để đan được chiếc gùi, đòi hỏi người làm phải có óc thẩm mỹ, tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết. Theo nghệ nhân A Bư, người Gia Rai có hàng chục loại gùi với kiểu dáng, kích cỡ, công dụng khác nhau, tùy từng loại mà sử dụng nguyên vật liệu khác nhau và cách làm cũng không giống nhau. Một cái gùi hai lớp cao khoảng 60 cm, đường kính 30 cm có giá bán 1,5 triệu đồng.
Đây là loại gùi thân tròn, có hai lớp, ở giữa hai lớp được lót bằng ni lông tránh nước. Để đan được loại gùi này, đòi hỏi phải có tay nghề cao. Gùi hai lớp được chia thành nan dọc và nan ngang (nan ngang nhỏ hơn nan dọc), đan nan ngang với các mắt dày khít với nhau nên rất tốn thời gian.
Đặc biệt loại gùi này được đan bằng cây giang nên rất bền và không thấm nước. Gùi hai lớp được dùng để đựng quần áo, thức ăn, gùi có nắp đậy kín nên giữ được đồ đạc khô ráo. Vào mùa mưa, khi đi làm nương rẫy, đồng bào Gia Rai thường mang theo gùi đựng thức ăn và quần áo.
Để đan gùi hai lớp, công đoạn khó nhất là là đan đáy gùi, công đoạn này phải làm cẩn thận và để ý, nếu đan không đúng đường sẽ phải tháo ra đan lại từ đầu. Một chiếc gùi hai được nghệ nhân A Bư bán với giá từ 1,5-3 triệu đồng/ chiếc.
Thỉnh thoảng các cửa hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đặt làm cho khách du lịch. Mới đây, nghệ nhân A Bư đã hoàn thành việc đan 20 chiếc gùi hai lớp nhỏ với giá 1 triệu đồng/chiếc theo hợp đồng của khách du lịch.
Già A Niếp, nghệ nhân đan lát làng Rắc, xã Ia Xiêr chia sẻ: “Tháng 3/2016, tôi đã được mời xuống Bảo tàng tỉnh Kon Tum để trình diễn nghề thủ công đan lát cho mọi người xem. Thấy nhiều người quan tâm, tìm hiểu văn hóa người Gia Rai, tôi rất vui. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều thanh niên trong làng không muốn làm nghề đan gùi này nữa”.
Anh A Ir, cán bộ Văn hóa thông tin xã Ya Xiêr cho biết: Làng Rắc chỉ còn hai nghệ nhân A Bư và A Niếp gắn bó nghề đan lát. Hai ông rất mong được truyền nghề cho thế hệ trẻ, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Gia Rai.