Còn nhiều tồn tại trong tuyên truyền về nông thôn mới

BVR&MT – Trong những năm qua, công tác truyền thông về xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi nhận thức cho cán bộ cơ sở, người dân về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh những mặt tích cực công tác tuyên truyền về nông thôn mới vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn vướng mắc.

Trước thực tế đó, ngày 13/4, tại Yên Bái, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Sở Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức hội nghị về truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Tuyên truyền về nông thôn mới đa dạng và có hệ thống

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết: Trong những năm qua, người dân cả nước đã tự nguyện hiến trên 45 triệu m2 đất để xây dựng nông thôn mới. Đó là minh chứng sống động cho hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động luôn đi trước một bước trong quá trình triển khai một Chương trình có tầm vóc quốc gia. Có thể khẳng định, công tác truyền thông đã góp phần quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với những kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.

“Tôi đã thử làm một phép tính nhẩm, nếu thử gõ từ khóa “nông thôn mới” trên các tờ báo điện tử, mỗi ngày có khoảng 6.500 kết quả, thì suốt 12 năm qua, chúng ta có thể có một cuốn sách dày 46.600 trang, chưa kể báo hình, báo phát thanh, phim tài liệu…” – Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương chia sẻ thí dụ một cách trực quan.

Theo ông Phương Đình Anh: Công tác truyền thông đang được tổ chức thực hiện có hệ thống, đồng bộ, đa dạng về hình thức, đổi mới về nội dung và luôn đi trước một bước với cách tiếp cận mới, tư duy mới trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc “Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”, hướng đến xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cũng ghi nhận, hầu hết các cơ quan truyền thông, từ phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử từ Trung ương đến địa phương đều mở chuyên trang, chuyên mục về nông thôn mới. Nhiều chuyên mục tiếp tục chú trọng tìm kiếm, khai thác “chất liệu mới”, đi sâu vào khai thác “tính mới”.

Trong khi đó, 100% các tỉnh, thành phố đều phát động hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với nhiều chủ đề rất cụ thể. Có thể kể ra các phong trào như “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ về nhà” (Bắc Giang), “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh” (Hòa Bình); “Sạch đường, tốt ruộng” (Hà Giang), “Sáng, xanh, sạch, đẹp” (Vĩnh Long); “4 có” đối với xã và “3 có” đối với khu dân cư (Quảng Ngãi), “Làng quê không rác thải”, “Đường hoa thay cỏ dại” (Quảng Nam), “Ấp tự quản bảo vệ môi trường” (An Giang), “Việc làng – đất vàng cũng hiến”, “Hiến đất – mất một được hai” (Hà Tĩnh)… Các tỉnh Hậu Giang, Tây Ninh, TP Cần Thơ là những địa phương đi đầu trong thực hiện phong trào “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 4 nhà”.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về nông thôn mới

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đến từ Trung ương hội Nông dân Việt Nam, Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Văn phòng điều phối NTM cũng như Sở Thông tin-Truyền thông từ các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Đồng Nai, Nghệ An, Trà Vinh… cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác truyền thông tại địa phương, góp phần xây dựng những miền nông thôn đáng sống.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết, sau 12 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên cả nước đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, sản xuất nông nghiệp nói riêng, kinh tế nông thôn nói chung từng bước phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nông thôn từng bước nâng lên; các giá trị văn hóa truyền thống không ngừng được củng cố và phát huy; môi trường nông thôn ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, công tác truyền thông vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Có nơi chưa quan tâm đúng mức công tác bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ truyền thông. Nhiều địa phương còn lúng túng và tự phát trong xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm.

Ở một số nơi, công tác truyền thông còn mang tính hình thức, đối phó, chưa có tính sáng tạo. Có nơi, cơ quan thường trực Chương trình chưa có sự đa dạng trong công tác phối hợp các cơ quan truyền thông, chưa mạnh dạn trong quá trình xã hội hóa với các doanh nghiệp truyền thông độc lập để thực hiện các kịch bản chương trình truyền thông mang tính mới lạ.

Ngoài ra, nhiều địa phương còn chưa khai thác tối đa và hiệu quả các kênh truyền thông hiện đại, đặc biệt là khả năng truyền thông và lan tỏa của các mạng xã hội,…

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, các đại biểu cho rằng: Cần xây dựng chủ đề truyền thông phù hợp theo từng năm, nhằm tuyên truyền sâu, rộng và hiệu quả. Mở rộng đối tượng truyền thông, thúc đẩy nhận thức và thông tin đến cán bộ cơ sở, cộng đồng, người dân, đặc biệt là người tiêu dùng, tổ chức thương mại, khách du lịch nhằm phát triển thị trường nông sản, sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông. Phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông.

Xây dựng hệ thống và tăng cường các kênh truyền thông tương tác thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới về thông tin, truyền thông, như: mạng xã hội, ứng dụng giải trí trên thiết bị thông minh, công nghệ thực tế ảo,… nhằm nâng cao sự tương tác và tham gia của người dân. Tạo các kênh truyền thông hai chiều, vừa bảo đảm mục tiêu tuyên truyền của cơ quan quản lý Nhà nước, vừa tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP.

NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ