BVR&MT – Nhờ đồng sức đồng lòng của người dân, từ một thôn khó khăn nhất nhì của xã, cho đến khi con đường mới được hoàn thành đã biến thôn Khe Năm, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên trở thành một “ngọn đuốc” sáng giữa vùng đồng rừng Yên Bái.
Năm 1995, đường sá Khe Năm phần lớn vẫn là những lối mòn bé tẹo, sau 5 lần thuê máy móc san ủi, con đường của bà con mới rộng được 3m như hiện nay. Những tháng mưa dầm, bà con chỉ có cách lội bộ. Mọi phương tiện giao thông, kể cả xe đạp đều nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Không chỉ vậy, nông sản thu về chất đống trong nhà, không có cách nào mang đi bán, bà con chỉ biết nhìn mồ hôi nước mắt bao ngày của mình hoá thành mốc xanh mốc đỏ. Đường sá khó khăn nên gỗ, chè của bà con luôn bị thương lái ép giá thấp hơn nơi khác. Người ốm lắm khi phải cáng bộ ra đường lớn mới đưa được lên xe xuống viện, trẻ con cũng cách trở với lớp, với trường.
Bà con Khe Năm, ai ai cũng mong mỏi có một con đường khang trang, sạch đẹp; song kinh tế của chỉ trông vào hái chè, trồng rừng gỗ nhỏ nên con đường vẫn nằm trong giấc mơ xa.
Quyết tâm làm đường của bà con Khe Năm được nhen lên khi ông trưởng thôn Vũ Văn Hồng… xây nhà. Từ xóm 3 của ông ra đường lớn là 3km đường lầy bé tẹo, không một loại xe ba-bốn bánh nào có thể bò vào được, việc vận chuyển vật liệu xây dựng vào nhà đều do xe máy. Vốn cẩn thận, tính toán nhanh nhạy nên ông Hồng thống kê: “Cho đến khi xây xong nhà là 3500 chyến xe máy chở vật liệu. Riêng gạch mỗi chuyến chở được 60 viên, hết 400 chuyến… Có những ngày tôi phải chi tiền triệu để mua xăng nhờ anh em bạn bè, hàng xóm mang xe máy của họ đến vận chuyển giúp. Khi đó tôi mới thấm cái nhọc nhằn của việc không có đường”.
Khi họp thôn, ông Hồng mang 3500 chuyến xe máy vận chuyển vật liệu xây dựng nhà mình ra trước cuộc họp: “Chắc chắn bà con sẽ phải xây sửa lại nhà cửa. Nếu làm được đường thì đỡ khổ hơn rất nhiều. Có đường, mình vận chuyển chè, quế, nông sản mang đi bán cũng khoẻ, lại không bị ép giá”.
Ao ước của bà con đã âm ỉ từ lâu nên chỉ chờ có thế, cả thôn đồng lòng quyết tâm làm đường. Theo tính toán của chi bộ và chính quyền thôn, Hộ nào mặt đường thì đóng 2.2 triệu đồng/khẩu, các hộ ở bên trong mỗi khẩu đóng góp 1,6 triệu đồng. Riêng hộ nghèo và những người trên 80 tuổi được miễn đóng góp. Một lúc đóng góp bằng đó số tiền không phải là chuyện dễ, nên Khe Năm đã xây dựng Quỹ làm đường giao thông (2012) và đưa ra mục tiêu làm dần, mỗi năm phấn đấu bê tông hóa bao nhiêu mét đường. Bà con đóng tiền theo từng năm. Số thu được sẽ chuyển vào ngân hàng gửi để lấy lãi, đến khi triển khai làm đường thì rút về chi trả. Năm đó, các hộ ven đường, các hộ có đất canh tác ở khu sản xuất cuối xóm 3 còn hiến đất, đóng góp nhân công để mở rộng, làm nền.
Năm 2012 Khe Năm mới làm được 125m đường và cây cầu trị giá 542 triệu theo chương trình 135 của nhà nước. Sau đó mở thêm được 2km nữa. Sang năm 2013 mở được 2.2km và 3 cống to. Năm 2014 nhà nước hỗ trợ cống, dân đóng tiền làm được 803m. Năm 2015 làm được 1109m, vượt 67m so với kế hoạch… Tổng kinh phí thực hiện bê tông hóa, cứng hóa đường giao thông từ năm 2012 đến nay là trên 2 tỷ 150 triệu đồng, trong đó bà con đóng góp 01 tỷ 171 triệu đồng (chưa kể công làm đường). Riêng năm 2017 Khe Năm làm được 1.1km, hết 546 triệu đồng; nhà nước hỗ trợ xi măng và cống trị giá 160 triệu đồng, 386 triệu là do bà con đóng góp bằng công, bằng của.
Bây giờ đường bê tông đã trải khắp đường làng ngõ xóm, bà con Khe Năm càng có khí thế khi thôn được triển khai dự án cải tạo chè theo tiêu chuẩn VietGap, rồi được tham gia dự án trồng quế, trồng măng tre Bát Độ của huyện. Cách làm đặc biệt và hiệu quả của Khe Năm còn làm khăng khít hơn tình làng nghĩa xóm, bà con trong thôn cũng vì con đường mà đoàn kết, giúp nhau thoát nghèo và gắn bó với nhau hơn.
Hoàng Văn