BVR&MT – Đối với công ty CP xây dựng FLC Faros quy định bắt buộc phải có kiểm toán. Nếu như các bị can đã có hành vi lập giả các giấy chứng nhận góp vốn để qua mắt cả công ty kiểm toán, nhà đầu tư thì việc khởi tố về hành vi lừa đảo là có cơ sở.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bổ sung tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan đối với ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC).
Ngoài ông Quyết, cùng tội danh trên, Cơ quan điều tra khởi tố bổ sung đối với các bị can Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết) và bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó chủ tịch Tập đoàn FLC và nguyên chủ tịch Chứng khoán BOS).
Quá trình điều tra mở rộng điều tra vụ án, cơ quan điều tra xác định, từ năm 2014 – 2016, ông Quyết cùng hai em gái và bà Hương Trần Kiều Dung làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của CTCP Xây dựng Faros (ROS). Sau khi 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, nhóm này đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Theo Bộ Công an, tính đến ngày 24/2/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Trước việc ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm nâng khống vốn điều lệ lên con số rất lớn để chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại, dư luận đặt câu hỏi về quy trình nâng vốn điều lệ tại các doanh nghiệp hiện nay. VietNamNet có cuộc trao đổi với Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) xoay quanh nội dung nêu trên.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của bất cứ doanh nghiệp nào, vốn được xem là một trong những nguồn lực quan trọng đầu tiên giúp doanh nghiệp hình thành và phát triển. Vốn của doanh nghiệp được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: vốn đầu tư, vốn góp của các cổ đông, vốn chủ sở hữu…
“Theo điểm 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần”, ông Bình viện dẫn.
Ngoài ra, theo luật sư Diệp Năng Bình, theo khoản 1 Điều 113 Luật doanh nghiệp 2020, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.
“Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này.
Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua. Việc tăng hay đăng ký vốn điều lệ cao sẽ khiến các doanh nghiệp, đối tác, các chủ đầu tư nhìn nhận tích cực về doanh nghiệp”, luật sư Diệp Năng Bình thông tin.
Vẫn theo luật sư Bình, khi ký hợp đồng thông thường đối tác sẽ nhìn vốn điều lệ để lường tránh các rủi ro trong tương lai. Ví dụ doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 15 tỷ đồng thì họ chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi 15 tỷ đồng.
Đề cập về vấn đề giám sát của cơ quan nhà nước trong việc doanh nghiệp nâng vốn điều lệ, luật sư Diệp Năng Bình thẳng thắn: Qua vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết và các bị can có liên quan cần thấy trách nhiệm của các công ty kiểm toán trong quá trình kiểm toán nguồn vốn của chủ sở hữu.
“Đối với công ty CP xây dựng FLC Faros pháp luật quy định bắt buộc phải có kiểm toán. Nếu như các bị can đã có hành vi lập giả các giấy chứng nhận góp vốn để qua mắt cả công ty kiểm toán, nhà đầu tư thì việc khởi tố về dấu hiệu hành vi lừa đảo là có cơ sở”, Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định.